"Sự cởi mở, thoả hiệp và màu xám"
Sau hơn 33 năm, Nhậm Chính Phi, một cựu quân nhân, đã đưa Huawei phát triển thành tập đoàn công nghệ toàn cầu và vượt qua nhiều công ty ở phương Tây có lịch sử hàng trăm năm. Một cựu chiến binh, ông Nhậm đã "cấy" các nguyên lý quân sự vào văn hoá doanh nghiệp của Huawei, bao gồm kỷ luật, trật tự, tuân thủ, can đảm, kiên định, ý chí thống nhất, và tinh thần đồng đội. Nhưng đối lập với các doanh nghiệp phương Tây và "văn hóa CEO" của họ, Nhậm Chính Phi tự nhận mình là một "thủ lĩnh bù nhìn" của Huawei và khuyến khích các nhân viên "quay lưng" với lãnh đạo.
Trên thực tế, chính quyền lực đặc biệt và sức ảnh hưởng mạnh mẽ của "thủ lĩnh bù nhìn" này tới 197.000 nhân viên tại Huawei đã tạo nên cho doanh nghiệp một văn hoá "tự phê bình" độc đáo. Ông Nhậm tin rằng, thông qua tự phê bình, nhân viên của công ty sẽ có thể tối ưu hoá và phát triển bản thân nhiều hơn, từ đó tạo ra một tương lai hoàn toàn mới cho công ty. Sự tự phê bình giúp Huawei có thể nhận ra những vấn đề trong nội bộ và thực hiện cải tổ đúng đắn. Theo ông, "Quản lý mắc lỗi là chuyện bình thường, không ai là hoàn hảo. Nếu chúng ta không duy trì một chính sách khoan nhượng hơn, chúng ta sẽ không thể có 4.000-5.000 người tự nguyện báo cáo cáo về vi phạm kế toán", và nhấn mạnh tầm quan trọng của "sự cởi mở, thoả hiệp", hai yếu tố tạo nên phong cách quản lý "màu xám" đặc trưng của Huawei. Sự cởi mở từ trong nội bộ này đòi hỏi các quyết định từ ban lãnh đạo phải được đưa ra một cách minh bạch.
Ông đã xây dựng Huawei thành một tổ chức dân chủ, với một cơ chế lãnh đạo tập thể nơi ý kiến của nhân viên được tôn trọng và mỗi thành viên đều là một cổ đông của Huawei. Nhậm Chính Phi từng nói, "Bất kỳ thoả thuận nào mà nhân viên có thể tiếp cận sẽ giúp mọi việc dễ dàng hơn trong quá trình quản lý", và "nếu chúng ta đưa ra quyết định từ trong cánh cửa đóng kín, chúng ta sẽ gặp rắc rối một ngày nào đó". Sự cởi mở này thúc đẩy tính sáng tạo từ trong nội bộ công ty, dẫn đến nhiều giải pháp ý tưởng lớn, giải pháp có thể được thực hiện hơn.
Trên Cộng đồng Xinsheng (nghĩa đen là "tiếng nói bên trong"), diễn đàn chung của các thành viên Huawei, nhân viên được khuyến khích đưa ra ý kiến của mình về các quy định, chính sách và quyết định của công ty mà không có bất kỳ sự can thiệp nào. Các ý kiến trên diễn đàn này được thu thập và ghi lại trong một tập sách nhỏ mang tên các vấn đề của Huawei, sau đó được gửi đến mỗi Giám đốc điều hành của công ty. Trong nhiều năm, Huawei đã triệu tập các buổi họp động não, được gọi là "Cuộc họp Gia Cát Lượng" để đưa ra các quyết định một cách tự do và dân chủ.
Sức sống và tính liên tục của cơ chế lãnh đạo tập thể này được Huawei duy trì thông qua một cơ chế chuyển dịch có trật tự. Năm 2020, Huawei đã hoàn thành cuộc bầu cử của 96,776 nhân viên nắm cổ phần tại 170 quốc gia, tạo thành một cơ chế quyền lực mới. Triết lý lãnh đạo của Nhậm Chính Phi rất rõ ràng: "Số phận của một công ty không thể gắn liền với một cá nhân". Đối mặt với môi trường tồn tại và phát triển không xác định trong tương lai, Huawei chỉ có thể tiếp tục kiên trì lãnh đạo tập thể mới có thể vượt qua khó khăn, giành được chiến thắng bền vững. Thông qua thế hệ chuyển giao chế độ, mới có thể đảm bảo rằng giá trị chung của công ty – "coi khách hàng là trung tâm, sáng tạo giá trị cho khách hàng" sẽ được bảo vệ và kế thừa dài lâu.
Từ một "bí ẩn" trở thành công ty "mở cửa" với cả thế giới
Đã có lúc trong mắt các nhà báo, người sáng lập Huawei là một nhà lãnh đạo bí ẩn. Nhưng sự thật, Nhậm Chính Phi là một nhà lãnh đạo lôi cuốn và có sức thuyết phục. Điều này thể hiện rõ trong sức ảnh hưởng đặc biệt của ông tới văn hóa doanh nghiệp tại Huawei. Nhậm Chính Phi từng thừa nhận: "Trước giới truyền thông, chúng ta từng hành động như một con đà điểu vùi đầu vào cát." và nhận định "Công ty nên chủ động và đây là thời điểm để bắt đầu chấp nhận nhiều lời chỉ trích hơn". Huawei tuyển dụng khoảng 40.000 công dân nước ngoài với nhiều Chủ tịch và giám đốc công ty, chi nhánh là người nước ngoài. Chính những nhân viên này đã mang một phong cách cởi mở hơn tới Huawei, tạo nên một công ty "mở cửa" với thế giới.
Từ năm 2012, Huawei sẵn sàng công bố thông tin mới về tất cả các mặt, thể hiện ý kiến thẳng thắn về tất cả các "vấn đề nhạy cảm" và các thành viên Hội đồng quản trị luân phiên chấp nhận các cuộc phỏng vấn trên toàn thế giới. Các bài phát biểu và quyết định của đội ngũ lãnh đạo của công ty hay bất cứ điều gì có thể xuất bản đều được công bố trên trang web của công ty.
Huawei đã từng bước vén tấm màn bí ẩn của mình trước thế giới. (Ảnh:Reuters)
Nhậm Chính Phi ra mắt phương tiện truyền thông tại New Zealand vào tháng 4/2013, mở đầu loạt các cuộc gặp gỡ với báo chí phương Tây như Pháp, Vương Quốc Anh, trả lời phỏng vấn tại Diễn đàn kinh tế Thế giới ở Davos, Thuỵ Sĩ…, sẵn sàng trả lời tất cả các câu hỏi đối với quan điểm chính trị, cấu trúc chia sẻ lợi ích của Huawei, quản trị doanh nghiệp, cho đến sở thích cá nhân - gần như mọi thông tin có thể hỗ trợ làm sáng tỏ Huawei và bản thân ông với thế giới. Năm 2014, ông cũng đã tổ chức một buổi giao tiếp với các biên tập viên trưởng từ 20 đơn vị báo chí khắp Trung Quốc. Chỉ riêng trong năm 2019, ông Nhậm Chính Phi đã trả lời 53 cuộc phỏng vấn với cơ quan báo chí quốc tế của các nước Mỹ, Anh, Nhật, Canada... Không chỉ xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp hơn với truyền thông quốc tế, "gã khổng lồ" viễn thông Trung Quốc đã thực sự xây dựng cho mình một văn hóa cởi mở và minh bạch toàn diện, trở thành một công ty công nghệ hàng đầu và môi trường làm việc đáng mơ ước cho các tài năng công nghệ.