Thời sự

Sự thật đằng sau các nhóm “bùng nợ”, người dùng cẩn thận mất tiền khi tham gia

Sự thật đằng sau các nhóm “bùng nợ”, người dùng cẩn thận mất tiền khi tham gia - Ảnh 1.

Lan tràn “mánh khóe” lôi kéo, kích động bùng nợ trên mạng xã hội

Hiện tượng các hội nhóm “bùng nợ” mọc lên tràn lan trên mạng xã hội đang là một thực trạng đáng báo động của xã hội. Chỉ cần lên mạng gõ cụm từ “cách bùng nợ” sẽ xuất hiện một loạt hội nhóm với hàng chục đến hàng trăm nghìn thành viên tham gia.

Tại một group "Tư vấn bùng nợ - xoá nợ xấu" với hơn 100.000 thành viên trên facebook, các tài khoản người dùng hào hứng chia sẻ với nhau về câu chuyện đi vay công ty tài chính, vay app online,…rồi trốn nợ.

Một tài khoản người dùng tại nhóm này cho biết mua trả góp điện thoại qua công ty tài chính hơn 20 triệu đồng, tuy nhiên đã 2 tháng nay không trả nợ và thắc mắc “nếu không trả thì sẽ như thế nào?”. Đáng ngạc nhiên là bên dưới bài đăng này, hàng chục dòng bình luận khẳng định “không sau đâu”, “bùng thoải mái”, “càng trả càng nợ, bùng là hết nợ”,…

Bên cạnh những người không trả được nợ vì lý do không có đủ thu nhập thì bộ phận lớn người dùng thản nhiên xem việc “quỵt nợ” là chuyện bình thường, thậm chí là họ dùng các mánh khóe ngay từ đầu để vay được tiền từ công ty tài chính rồi trốn.

Trong một cộng đồng, hội nhóm như vậy, việc bùng nợ, trốn nợ dường như đã trở thành một việc hết sức bình thường. Một số người còn tự hào đang vay nợ tại một loạt công ty tài chính nhưng không bị hề hấn gì và còn xem đây là "cách kiếm tiền online".

Không bùng được nợ còn bị lừa đảo mất tiền

Một hiện tượng rất đáng lo ngại khác là nhiều thành viên trong các hội nhóm này không ngại khoe khoang chiến tích bùng nợ của mình, lấy đó như một cái cớ để quảng cáo, mời chào các thành viên nhẹ dạ cả tin khác sử dụng dịch vụ “hỗ trợ trốn nợ, xóa nợ”. Những đối tượng này sẽ lôi kéo người vay trả một khoản phí để sử dụng các dịch vụ như làm căn cước công dân giả, bán tài khoản mạng xã hội ảo, bán danh bạ điện thoại ảo, xóa nợ CIC,…Nhiều trường hợp sau khi chuyển tiền xong thì kẻ lừa đảo mất tích không để lại dấu vết.

Nếu tồi tệ hơn, người dùng có thể bị lôi kéo vay tiền các app tín dụng đen không được pháp luật cấp phép. Những đối tượng lập ra các hôi nhóm dạy cách bùng tiền có thể cũng chính là người lập ra các app cho vay tín dụng đen. Các App cho vay này thường có thủ tục vay rất đơn giản, công bố lãi suất và phí dịch vụ mập mờ khiến người dùng không lường được số tiền “khổng lồ” phải trả trong tương lai. Từ số tiền vay chỉ vài triệu đồng, chỉ sau thời gian ngắn, số tiền mà bạn nợ trên App cho vay online có thể nhân lên con số hàng trăm triệu. Nếu không trả được nợ, người vay có thể bị đòi nợ khủng bố, bị đe dọa về thể chất, tinh thần bởi các App cho vay tín dụng đen này. Cần lưu ý rằng, hình thức đòi nợ của các nhóm tín dụng đen sẽ không nhẹ nhàng như các công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép.

Phân biệt công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp và App tín dụng đen

Thực tế, hiện tượng “rủ nhau trốn nợ” đã trở nên nghiêm trọng hơn trong khoảng 1 năm trở lại đây khi nhiều cá nhân lợi dụng thông tin cơ quan chức năng kiểm tra một số công tài chính tiêu dùng để tung những thông tin không đúng bản chất sự việc lên mạng xã hội. Từ đó, hình ảnh các công ty tài chính tiêu dùng bị xuyên tạc, méo mó và sai sự thật, ảnh hưởng đến ý thức và trách nhiệm trả nợ của người dân. Đặc biệt, nhiều người đã đánh đồng công ty tài chính tiêu dùng với các app tín dụng đen để làm cái cớ trốn nợ mà không sợ bị pháp luật “sờ gáy”.

Tuy nhiên, người dùng cần biết rằng, các công ty tài chính tiêu dùng là tổ chức chính thống được hoạt động cho vay tiêu dùng dưới sự cấp phép của Ngân hàng Nhà nước. Theo quy định hiện nay, hợp đồng vay giữa công ty tài chính với khách hàng là hợp đồng dân sự. Trong trường hợp người vay thật sự không có điều kiện trả nợ thì có thể bị khởi kiện ra Toà án dân sự và phải đóng án phí. Sau khi thua kiện, trường hợp vẫn không trả được nợ thì công ty tài chính sẽ yêu cầu thi hành án.

Trong trường hợp có điều kiện để trả nhưng cố tính không trả thì người vay có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; với mức phạt cao lên đến 20 năm tù.

Vay tiền tại các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép, nếu không trả nợ, người vay sẽ rơi vào nợ xấu, từ đó rất khó để có thể làm thủ tục vay tiền từ các công ty, tổ chức tài chính khác trong tương lai.

Do đó, người vay tiền không nên nghe theo những lời kích động, dụ dỗ của những thành viên trên nhóm bùng nợ để nảy sinh hành động quỵt nợ, không chỉ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân mà còn vi phạm pháp luật. Trong trường hợp không trả được nợ, cần có sự trao đổi và thiện chí với phía công ty tài chính để có giải pháp. Người vay cũng cần tỉnh táo phân biệt công ty tài chính và các app cho vay tín dụng đen, hiện nay nhiều công ty tài chính vẫn đang triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, hồ sơ cho vay đơn giản, minh bạch, có lợi cho người tiêu dùng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm