Doanh nghiệp gia công lần đầu lên Shark Tank Việt Nam
"Thiệp in truyền thống thường là thiệp trơn, không có sự độc đáo, thiếu sự truyền tải cảm xúc từ người gửi tới người nhận. Giải pháp Paper Color đưa ra là Pop-up card".
"Pop-up card gồm 3 yếu tố: Vừa là thiệp, vừa mang tính nghệ thuật, và là một món quà", nữ sáng lập Thiện Ngân chia sẻ trên Shark Tank Việt Nam tập đầu tiên trong mùa 2.
Paper Color thành lập năm 2014, định hình theo con đường OEM (hiểu nôm na là sản xuất gia công cho các thương hiệu khác).
Không chỉ đã xuất khẩu ra hơn 30 quốc gia, doanh nghiệp còn là đối tác với hơn 120 doanh nghiệp trên toàn thế giới. Doanh thu trong vòng 4 năm đạt hơn 20 tỷ đồng với sản lượng 600 nghìn sản phẩm.
Chỉ tính riêng năm 2017, doanh thu của đơn vị sản xuất gia công thiệp Pop-up này đã rơi vào khoảng 10,7 tỷ đồng, tương ứng sản lượng bán 300.000 sản phẩm.
Đến với Shark Tank lần này, Thiện Ngân muốn gọi vốn 1 triệu USD đổi lấy 20% cổ phần công ty.
Cô chủ làm thiệp gia công xuất khẩu 30 nước gọi vốn 1 triệu USD trên Shark Tank Việt Nam mùa 2
"Tỷ suất lợi nhuận cao, có khách hàng mua L/C (Letter of Credit - Tín dụng thư) trả trước, sao em lại cần vốn?", Shark Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Sunhouse hỏi.
"Đây là sản phẩm do bên em tạo ra, từ thiết kế gia công đều là của bên em. Khi sản phẩm của mình mang thương hiệu của một người khác, là người chủ doanh nghiệp em thấy rất đau lòng".
"Thứ nữa, ví dụ 1 sản phẩm bán qua mô hình OEM là 1,5 USD, qua thị trường Mỹ họ bán 10-12 USD/sản phẩm. Em muốn đi theo mô hình bán lẻ trực tiếp, không muốn theo mô hình OEM nữa", Thiện Ngân trải lòng.
1 triệu USD nếu gọi vốn thành công trên Shark Tank, Ngân sẽ dùng để tập trung mở rộng công suất sản phẩm, đồng thời giúp Paper Color phát triển mảng bán lẻ, xây dựng thương hiệu riêng - một thương hiệu của người Việt để xuất khẩu ra thế giới.
Startup khẳng định doanh thu, lợi nhuận là thật, Shark Phú ngại ngần vì DD xong không đúng, không đầu tư họ sẽ nói "ông Phú nói dóc trên truyền hình"
Shark Louis Nguyễn - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty quản lý Quỹ đầu tư Saigon Asset Management (SAM) - nghi ngại về việc sản phẩm thủ công này cũng là thế mạnh của các doanh nghiệp Trung Quốc. Họ với những nhà máy khổng lồ gấp cả trăm lần mình có thể sản xuất sản phẩm rất nhanh chóng.
Ngân cho biết đã có những khách hàng đang làm việc với nhà cung cấp Trung Quốc và chuyển qua Paper Color vì 2 lý do: Chi phí nhân công tại Việt Nam rẻ hơn và Khả năng thiết kế của nhà cung cấp Trung Quốc chưa chắc đáp ứng được nhu cầu khó tính của khách hàng.
Một đơn vị OEM nay muốn bán trực tiếp tới khách hàng, vấn đề lớn nhất không phải Sản xuất mà là Tiếp thị.
Shark Thái Vân Linh - Giám đốc vận hành Quỹ Vina Capital - nhận định: Paper Color có 4 năm kinh nghiệm OEM, nhưng kinh nghiệm bán lẻ bằng 0. Giải pháp Ngân đưa ra là xây dựng nhà máy cũng chưa hợp lý.
"Xây dựng nhà máy thực sự không giải quyết được cho trường hợp này. Một đơn vị OEM nay muốn bán trực tiếp tới khách hàng, vấn đề lớn nhất không phải Sản xuất mà là Tiếp thị. Chị nghĩ em nên bỏ thời gian thử nghiệm kênh bán trực tiếp cho khách hàng", Shark Linh nhìn nhận và từ chối đầu tư.
Ngại ngần startup vẫn còn "non trẻ" khi chuyển đổi mô hình OEM sang bán lẻ, các Shark Hưng và Dzung Nguyễn cũng từ chối tham gia. Tuy nhiên, hai Shark Nguyễn Xuân Phú và Shark Louis Nguyễn lại tỏ ra hào hứng.
Shark Phú, như mọi khi, liên tiếp chất vấn về các số liệu doanh thu, chi phí nhân công, phí thuê nhà xưởng, phí nguyên vật liệu… Liên tục bị "xoay", cô chủ Thiện Ngân khẳng khái: "Lúc DD Shark Phú có thể kiểm tra, nếu em làm không đúng như lời em nói hôm nay thì dự án của em cũng không có giá trị trước Shark Phú".
"Anh cam kết 10 vụ, đi kiểm toán cả 10 vụ 'fail' (thất bại - PV), anh không đầu tư người nào thì họ sẽ nói trên truyền hình rằng: Ông Phú nói dóc, cứ cam kết cho hay trên truyền hình. Lúc đó thì rủi ro đến uy tín của anh, nên anh cần thẩm định kỹ", ông chủ Sunhouse đáp lời.
Mặc dù vậy, Shark Phú cũng đưa ra đề nghị khá "nắn gân" startup: 3 tỷ đồng đổi 20 % cổ phần, số tiền còn lại đầu tư dưới dạng trái phiếu chuyển đổi.
Chủ tịch HĐQT SAM Louis Nguyễn cũng đưa ra lời điều kiện tương tự nhưng nhẹ nhàng hơn với 4 tỷ đồng cho 20% cổ phần, số tiền còn lại dưới dạng trái phiếu chuyển đổi nếu đạt KPI, với lãi suất 15%.
Do giai đoạn đầu sẽ cần khoản vốn 250 nghìn USD, đến năm 2020 mới cần khoản còn lại, cô chủ Paper Color thuyết phục các nhà đầu tư rót thêm. Thiện Ngân kỳ vọng cổ phiếu hoán đổi giai đoạn 1 tối đa ở mức 15%.
Lúc này, Shark Phú và Louis Nguyễn bắt tay đưa offer đầu tư giai đoạn một 5 tỷ đồng đổi lấy 25% cổ phần.
Cho rằng mình đã có nhà máy, cộng thêm kinh nghiệm xuất khẩu, dù là lần đầu nhảy vào lĩnh vực bán lẻ nhưng mình vẫn sẽ làm được, Thiện Ngân muốn hoán đổi 25% cổ phần lấy khoản đầu tư 10 tỷ đồng.
"5 tỷ đổi lấy 25% cổ phần là offer cuối cùng, em nên cân nhắc", Shark Phú kiên quyết.
Thiện Ngân chủ động lắc đầu từ chối nhà đầu tư vì với cô, lời đề nghị của các Sharks không đủ hấp dẫn để cân nhắc. Startup này tin tưởng với chiến lược đã được vạch ra, Paper Color chắc chắn sẽ đạt được thành công.
"Bạn này là người sản xuất thật", Shark Phú bình luận cuối chương trình.
"Cô ấy có lửa", Shark Louis nói thêm.
Tổng quan thương vụ gọi vốn của Paper Color:
- Mô tả: Paper Color là đơn vị sản xuất thiệp Pop-up. Thành lập năm 2014, định hình theo con đường gia công OEM, đã làm việc với 120 doanh nghiệp và xuất khẩu đi 30 nước
- Founder: Thiện Ngân, Minh Khởi
- Lĩnh vực: Sản xuất
- Tình hình kinh doanh: Doanh thu trong 4 năm đạt hơn 20 tỷ đồng với sản lượng 600 nghìn sản phẩm. Riêng năm 2017, doanh thu vào khoảng 10,7 tỷ đồng, tương ứng sản lượng bán 300.000 sản phẩm.
- Gọi đầu tư: 1 triệu USD đổi lấy 20% cổ phần
Kết quả: Gọi vốn không thành công vì không đàm phán được khoản rót vốn và tỷ lệ cổ phần hoán đổi.