Thời sự

SSI: Tăng trưởng GDP quý IV sẽ đạt khoảng 5,5 - 6%

Trong báo cáo mới phát hành, SSI Research cho rằng dữ liệu của tháng 11 cho thấy những tín hiệu tích cực hơn và xác nhận nền kinh tế đang trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi. Nhóm phân tích dự báo GDP trong quý IV có thể tăng khoảng 5,5% - 6% và tăng trưởng GDP trong năm 2023 ở mức 4,5% - 5%.

Sau kỳ họp Quốc hội lần thứ 6 kết thúc, tâm điểm chú ý trong tháng 12 sẽ là hướng dẫn chi tiết hơn của Chính phủ các nội dung được giao trong Nghị quyết/Luật đã được thông qua. 

Theo SSI, ngành sản xuất và thương mại tiếp tục đà hồi phục, tuy nhiên tốc độ vẫn tương đối chậm ở các nhóm ngành trọng yếu.  

IIP tháng 11 (tăng 6,3% so với cùng kỳ) ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 12 tháng qua nhờ mức nền thấp và việc đẩy mạnh sản xuất chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ sắp tới. Điểm tích cực là chỉ số sử dụng lao động có sự cải thiện hiện chỉ giảm 0,2% so với cùng kỳ với sự phục hồi từ nhóm sản xuất hàng tiêu dùng (thực phẩm, nội thất).

Tính chung 11 tháng, IIP ngành chế biến chế tạo tăng trưởng dương (tăng 1,1% so với cùng kỳ). Trong các ngành cấp 2, nhóm tăng trưởng cao chủ yếu hưởng lợi từ mức nền thấp vào năm ngoái như cao su (tăng 11,8%), hóa chất (tăng 8,6%), đồ gỗ nội thất (tăng 7,1%), kim loại (tăng 4,1%). Nhóm điện tử (giảm 1,3%) hay dệt may (giảm 1,3%) đã thu hẹp tốc độ giảm so với tháng trước.

 

Xuất khẩu (tăng 6,7% so với cùng kỳ) trong tháng 11 với sự bứt phá từ nhóm doanh nghiệp trong nước (tăng 11,2% so với cùng kỳ) trong khi doanh nghiệp FDI cũng bật tăng (tăng 5,1% so với cùng kỳ). Tăng trưởng nhập khẩu chậm hơn (tăng 5,1% so với cùng kỳ) và giúp thặng dư cán cân thương mại đạt 1,3 tỷ USD trong tháng 11 (và thặng dư 25,8 tỷ USD từ đầu năm đến nay). 

Báo cáo cũng đề cập đến khách quốc tế bật tăng, cụ thể số lượng khách quốc tế tới Việt Nam bật tăng trong tháng 11 nhờ tăng trưởng từ nhóm khách từ EU (tăng 58% so với tháng trước). Điều này cho thấy chính sách mới về thị thực của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực.

Tuy nhiên, số lượng khách quốc tế hiện mới đạt 70% so với thời điểm trước COVID. Sự thiếu hụt từ khách Trung Quốc là nguyên nhân chính (hiện mới đạt khoảng 30% thời điểm trước COVID).

 

Theo SSI, rủi ro về lạm phát không quá đáng lo ngại trong thời gian tới khi áp lực giá thực phẩm khó quay trở lại ngay lập tức trong bối cảnh tiêu dùng trong nước chưa phục hồi mạnh. Mức lạm phát trung bình cho năm 2023 sẽ vào khoảng 3,5% - vẫn thấp hơn tương đối so với mục tiêu 4,5% của Chính phủ.      

Cùng chuyên mục

Đọc thêm