Không nên quá kỳ vọng vào vàng
"Tôi cho rằng giá vàng đang ở giai đoạn sóng tăng rất mạnh, nhưng cũng có thể sắp đạt đỉnh. Những con sóng mạnh thường đi kèm với những pha điều chỉnh mạnh. Không chỉ vàng, mà Bitcoin hay chứng khoán cũng vậy", ông Đức phân tích.
Ông dẫn số liệu từ Goldman Sachs – tổ chức này từng đưa ra kịch bản giá vàng lên 3.400 – 4.000 USD/ounce vào năm 2026. Tuy nhiên, ông cho rằng, việc mua vàng ở vùng giá hiện tại là khá rủi ro.
“Đây là lúc nên chốt lời vàng và chuyển dần sang chứng khoán, kênh đang rẻ hơn. Khi vàng và chứng khoán cùng giảm, đó là tín hiệu của vùng đáy – và khi ấy nên mua chứng khoán, chứ không phải vàng”, ông nhấn mạnh.
Theo ông Đức, tỷ trọng đầu tư vào vàng nên giới hạn khoảng 10%. Trong năm nay, chính 10% này đã giúp bù đắp phần thua lỗ của các kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, ông cảnh báo nhà đầu tư không nên kỳ vọng quá mức vào kim loại quý, bởi không phải lúc nào suy thoái cũng khiến giá vàng tăng.
“Chỉ giai đoạn đầu của suy thoái thì vàng tăng, còn sau đó nhà đầu tư thường phải bán vàng để bổ sung thanh khoản cho các kênh khác”, ông nói.

Ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh Số của Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS). (Ảnh: VPBankS).
TTCK: Chờ kiểm định đáy, không nên “bắt dao rơi”
Ở góc độ thị trường cổ phiếu, ông Đức cho rằng VN-Index đã có tín hiệu điều chỉnh từ vùng 1.242 điểm, dù chưa chạm đến đường trung bình MA200.
“Khi chỉ số thủng MA200, thông thường sẽ phải kiểm nghiệm lại đáy. Tôi đã khuyến nghị nhà đầu tư nên bán ra trong nhịp phục hồi vừa qua và chờ cơ hội ở những vùng hỗ trợ mạnh như 1.140 điểm”, vị chuyên gia nhận định.
Với nhóm cổ phiếu VIC, ông Đức cho biết đợt giảm sàn hai phiên liên tiếp không nằm ngoài kỳ vọng. Tuy nhiên, đây không phải là dấu hiệu tiêu cực dài hạn.
“Khi VIC giảm 10 – 15% nhưng không thủng MA50, đó vẫn là cơ hội để mua vào. Lịch sử cho thấy VIC thường hồi phục tốt sau khi điều chỉnh”, ông nhận định và cho rằng vùng giá 52.000 – 60.000 đồng/cổ phiếu là cơ hội tích lũy.
Ưu tiên cổ phiếu dẫn dắt, tránh mua cổ phiếu yếu
Ông Đức lưu ý rằng nhà đầu tư cần bám sát vào những cổ phiếu đầu ngành, đã chứng minh hiệu quả: “Trong một năm, cổ phiếu nào dẫn dắt thị trường thì thường sẽ giữ vai trò dẫn dắt xuyên suốt cả năm đó”.
Đây là chiến lược an toàn hơn nhiều so với việc cố gắng bắt đáy những cổ phiếu xấu hoặc trung bình. Khi thị trường điều chỉnh, nhóm yếu sẽ giảm nhanh hơn, còn cổ phiếu dẫn dắt vẫn có dòng tiền bắt đáy quay lại.
Đây cũng là lý do ông cho rằng việc VIC giảm giá lại là cơ hội. “Nhiều nhà đầu tư đang chờ VIC về vùng thấp để bắt đáy, và điều này sẽ kích hoạt đà phục hồi”, ông nói.
Ngành chứng khoán trông chờ lực đẩy từ hệ thống mới
Về ngành chứng khoán, ông Đức đánh giá quý I chứng kiến sự phân hóa rõ nét. Những công ty có ngân hàng hậu thuẫn như VPBankS, MBS hay HDS đạt kết quả kinh doanh khả quan nhờ khả năng huy động và cho vay margin. Ngược lại, các công ty chứng khoán nhỏ và những đơn vị phụ thuộc nhiều vào tự doanh lại gặp nhiều khó khăn.
“Kỳ vọng về hệ thống công nghệ mới trong tháng 5 là có, nhưng cần nhìn nhận dài hạn hơn trong 1 – 2 năm. Năm nay, hệ thống chưa thể tạo đột biến cho thanh khoản, vì yếu tố vĩ mô và chính sách vẫn chi phối chính”, ông Đức nhấn mạnh.
Ngành thép và ngân hàng phân hóa, nhưng cơ hội vẫn hiện hữu
Trong ngành thép, HPG được đánh giá là cổ phiếu dẫn dắt nhờ kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng (tăng trưởng 15% trong quý I, so với dự báo 3%). Nhà đầu tư nên ưu tiên cổ phiếu đầu ngành như HPG, thay vì chạy theo các mã penny hoặc midcap có biến động mạnh.
Với nhóm ngân hàng, dù sắp tới có việc giảm tỷ trọng trong VN30 từ 60% xuống 40%, ông Đức cho rằng tác động đã phản ánh vào giá.