Thủ tướng vừa ban hành Chỉ thị số 12 ngày 21/4 về giám sát đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước.
Theo Chỉ thị, thời gian qua, công tác giám sát đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp, công tác giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước vẫn tồn tại các hạn chế.
Trong đó, một số cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa thực hiện chế độ báo cáo theo đúng thời hạn, nội dung quy định; thực hiện đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp không đảm bảo phạm vi, trình tự, thủ tục đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhiều cơ quan giao chậm, đánh giá chậm, chưa thực hiện phân loại doanh nghiệp trong quyết định giao kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm để thực hiện đánh giá xếp loại doanh nghiệp; chưa thực hiện công khai thông tin tài chính theo quy định.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác giám sát đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước theo quy định, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính giám sát chặt chẽ và cảnh báo các doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn tài chính.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính giám sát chặt chẽ và cảnh báo các doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn tài chính. (Ảnh minh hoạ).
Cụ thể, Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện việc giám sát tình hình đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính doanh nghiệp của các cơ quan đại diện chủ sở hữu đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định.
Đồng thời, Bộ Tài chính phải chủ động đôn đốc các cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện việc lập và gửi Báo cáo tình hình đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; Báo cáo kết quả giám sát tài chính về Bộ Tài chính đảm bảo đầy đủ nội dung, đúng thời hạn.
Bộ Tài chính có nhiệm vụ tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Báo cáo giám sát đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; Báo cáo kết quả giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp, tình hình doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ công ích được giao của các cơ quan đại diện chủ sở hữu theo đúng thời hạn.
Bộ Tài chính cũng được giao đánh giá việc tuân thủ quy định về phạm vi, quy trình, thủ tục, thẩm quyền, việc thực hiện quyền và trách nhiệm trong hoạt động đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp của các cơ quan đại diện chủ sở hữu, báo cáo Thủ tướng xử lý theo quy định trường hợp phát hiện vi phạm.
Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ thực hiện kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng xử lý theo quy định đối với người có trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu và người quản lý doanh nghiệp không thực hiện chế độ báo cáo; không chấp hành các khuyến nghị, chỉ đạo của cơ quan đại diện chủ sở hữu và Bộ Tài chính.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính đánh giá, cảnh báo các doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn tài chính, trả lời các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp.
Cũng tại Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đại diện chủ sở hữu rà soát phạm vi, trình tự, thủ tục quyết định đầu tư bổ sung vốn Nhà nước vào doanh nghiệp đảm bảo đúng quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu có nhiệm vụ tăng cường giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, từ đó kịp thời cảnh báo, chỉ đạo doanh nghiệp có giải pháp ngăn chặn, khắc phục các rủi ro, yếu kém và đưa ra các biện pháp chấn chỉnh, xử lý sai phạm về quản lý tài chính của doanh nghiệp.
Đối với các trường hợp vi phạm, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải báo cáo Chính phủ, Thủ tướng xử lý theo quy định.
Cùng với đó, các đơn vị phải xem xét trách nhiệm, quyết định việc kỷ luật đối với cá nhân, tổ chức liên quan không thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các nội dung về giám sát tài chính doanh nghiệp thuộc nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu.