Khoa học

Sóng 5G có gây hại sức khỏe?

Tóm tắt:
  • Sóng 5G có năng lượng thấp, khả năng xuyên thấu kém và chưa có bằng chứng gây hại sức khỏe.
  • Lo ngại về ung thư và rối loạn vẫn chủ yếu dựa trên hiểu lầm và chưa có căn cứ khoa học rõ ràng.
  • Sóng vô tuyến của 5G không ion hóa, không đủ năng lượng phá vỡ ADN hay gây tổn thương tế bào.
  • Mức bức xạ 5G giảm nhanh theo khoảng cách, an toàn khi duy trì khoảng cách từ trạm phát.
  • Các nghiên cứu lớn chưa chứng minh sóng 5G gây hại, nhưng vẫn đề xuất sử dụng thiết bị điện tử hợp lý để bảo vệ sức khỏe.

Sóng 5G hoạt động ra sao?

Những năm gần đây, khi mạng 5G bắt đầu được triển khai rộng rãi tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, không ít người dân bày tỏ lo ngại về nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe do tiếp xúc với sóng điện từ.

Các thông tin lan truyền trên mạng xã hội thậm chí còn cho rằng sóng 5G có thể gây ung thư, rối loạn giấc ngủ, đau đầu kéo dài và làm suy yếu hệ miễn dịch.

Tuy nhiên, theo ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam, những lo ngại này phần lớn xuất phát từ hiểu lầm và chưa có cơ sở khoa học vững chắc.

Sóng 5G có gây hại sức khỏe? - 1

Những năm gần đây, mạng 5G bắt đầu được triển khai rộng rãi tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam (Ảnh: Getty).

"5G là công nghệ sử dụng sóng vô tuyến, tức là sóng điện từ không ion hóa. Khác với tia X hay tia gamma - những loại có thể gây tổn thương ADN và dẫn tới ung thư - sóng vô tuyến có năng lượng rất thấp, không đủ khả năng phá vỡ liên kết phân tử trong cơ thể người", BS Mạnh phân tích.

5G sử dụng nhiều dải tần khác nhau, trong đó phổ biến nhất là các dải dưới 6GHz, tương tự 4G, và sóng milimet (mmWave) với tần số cao từ 24GHz đến 100GHz. Dải tần mmWave là một trong những điểm khiến nhiều người lo ngại vì đây là loại sóng chưa từng được sử dụng rộng rãi trong mạng di động trước đây.

Tuy nhiên, theo các nghiên cứu, sóng milimet có khả năng xuyên thấu rất thấp, chỉ đi được vài mét và dễ bị cản bởi tường, kính, thậm chí là lá cây. Vì vậy, loại sóng này chủ yếu được ứng dụng ở khu vực ngoài trời, không gian mở, trong các thành phố lớn để tăng tốc độ truyền tải dữ liệu - không dễ tiếp cận vào sâu bên trong cơ thể người.

Sóng 5G có gây hại sức khỏe? - 2

ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam (Ảnh: CTV).

"Người dân có thể yên tâm vì dù tần số cao hơn, nhưng các loại sóng này vẫn thuộc nhóm sóng điện từ không ion hóa, tức không đủ năng lượng để phá vỡ cấu trúc tế bào hay gây đột biến ADN", ThS.BS Đoàn Dư Mạnh nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo các nghiên cứu đo kiểm, cường độ sóng 5G suy giảm rất nhanh theo khoảng cách. Ở khoảng 10-20m cách trạm phát, mức bức xạ thường thấp hơn hàng nghìn lần so với giới hạn an toàn do Ủy ban Quốc tế về bảo vệ bức xạ không ion hóa (ICNIRP) đưa ra.

Chưa có bằng chứng 5G gây hại sức khỏe

Một trong những nghiên cứu có quy mô lớn nhất do Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) tài trợ đã thử nghiệm trên hàng nghìn con chuột với mức phơi nhiễm sóng vô tuyến cao gấp nhiều lần so với điều kiện bình thường của con người.

Kết quả cho thấy chỉ có một tỷ lệ nhỏ chuột đực phát triển khối u, trong khi chuột cái và nhóm đối chứng không có khác biệt đáng kể. Giới khoa học kết luận không thể ngoại suy kết quả này cho người.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng từng tuyên bố: "Cho đến nay, sau nhiều nghiên cứu, chưa có tác động bất lợi nào đối với sức khỏe được thiết lập là có liên quan đến việc tiếp xúc với công nghệ không dây".

Dù chưa có bằng chứng nào khẳng định 5G gây hại cho sức khỏe, BS Mạnh khuyến cáo người dùng nên duy trì thói quen sử dụng thiết bị điện tử hợp lý:

- Hạn chế áp điện thoại trực tiếp vào tai quá lâu.

- Không để điện thoại sát đầu khi ngủ.

- Ưu tiên dùng tai nghe hoặc loa ngoài khi nghe gọi dài.

"Quan trọng nhất vẫn là giữ lối sống lành mạnh, nghỉ ngơi đủ, ăn uống khoa học và kiểm soát căng thẳng. Những yếu tố đó ảnh hưởng nhiều hơn tới sức khỏe tổng thể so với việc tiếp xúc với sóng 5G", ThS.BS Đoàn Dư Mạnh nhấn mạnh.

Các tin khác

CADIVI – 50 năm cùng Việt Nam vươn cao

Năm 2025, Công ty Cổ phần Dây Cáp Điện Việt Nam (CADIVI) tự hào bước vào cột mốc quan trọng: 50 năm hình thành và phát triển. Đây là hành trình dài nửa thế kỷ, không chỉ là câu chuyện về sự vươn lên của một thương hiệu, mà còn là hành trình của niềm tin, khát vọng và tầm nhìn không ngừng mở rộng.

Dinh Độc Lập, nhìn từ trực thăng quân sự

Dinh Độc Lập nằm ở trung tâm Q.1, TP.HCM. Đây là Di tích quốc gia đặc biệt, có ý nghĩa lịch sử văn hóa rất quan trọng. Những ngày tháng 4.2025 này, Dinh Độc Lập là điểm nhấn đặc biệt, trong chuỗi hoạt động chào mừng 50 năm đất nước thống nhất.

Dấu hiệu suy hô hấp

Một số triệu chứng của suy hô hấp như thở gấp, cảm giác như bị hụt hơi, ho ra máu, xuất hiện cảm giác bồn chồn, kích động.