Ngày 14/5, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết, nữ bệnh nhân L.T.N. (50 tuổi, ngụ Trảng Bàng, Tây Ninh) nhập viện trong tình trạng đau âm ỉ vùng hông lưng hai bên, kèm theo mệt mỏi kéo dài và từng xuất hiện sốt nhẹ không rõ nguyên nhân.6
![]() |
Bác sĩ chỉ ra tình trạng sỏi san hô nghiêm trọng bệnh nhân đang gặp phải |
Do từng có tiền căn mổ mở lấy sỏi thận trái trước đó, bệnh nhân cho rằng mình đã khỏi bệnh hoàn toàn, nên không đi kiểm tra sớm. Chỉ đến khi cơn đau ngày càng trầm trọng, bà mới đến bệnh viện thăm khám.
Qua kiểm tra hình ảnh, các bác sĩ nhận thấy thận phải của bệnh nhân đã bị ứ nước do nhiễm khuẩn nặng, nguyên nhân là khối sỏi san hô lớn chiếm toàn bộ hệ thống đài – bể thận. Sỏi thận trái đã tái phát và kèm theo nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Với mức độ tổn thương này, bệnh nhân đứng trước nguy cơ mất hoàn toàn chức năng thận phải, đồng thời có khả năng diễn tiến nhiễm trùng huyết nếu không can thiệp ngay.
![]() |
Ê kíp phẫu thuật đã lấy ra hàng chục viên sỏi san hô trong bể thận của bệnh nhân |
Do đó, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật lấy sỏi. Khối sỏi có cấu trúc phân nhánh như san hô, bám sâu vào các đài thận, khiến ca mổ trở nên phức tạp. Các bác sĩ đã nỗ lực bóc tách thành công hàng chục viên sỏi lớn nhỏ ra khỏi cơ thể người bệnh. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân đang bình phục tốt.
“Kẻ xâm lược thầm lặng”
Theo BS.Lê Nguyễn Phú – Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, sỏi san hô là một trong những dạng sỏi thận phức tạp và nguy hiểm nhất hiện nay. Khối sỏi không chỉ có kích thước lớn mà còn lan rộng theo hệ thống đài – bể thận, tạo thành hình dạng phân nhánh như san hô, gây tổn thương lan tỏa trong nhu mô thận. Đáng lo ngại hơn, bệnh thường tiến triển âm thầm trong thời gian dài mà không gây triệu chứng rõ rệt, khiến người bệnh chủ quan hoặc nhầm lẫn với các vấn đề xương khớp thông thường.
![]() |
Hàng chục viên sỏi san hô được ê kíp bác sĩ loại bỏ khỏi cơ thể người bệnh |
Bác sĩ cho biết, sỏi san hô hình thành từ các tinh thể muối và khoáng chất lắng đọng trong thận, đặc biệt thường gặp ở những người có tiền sử nhiễm khuẩn đường tiết niệu kéo dài. Khối sỏi có cấu trúc phân nhánh, chiếm toàn bộ hoặc phần lớn hệ thống đài – bể thận, khiến việc điều trị nội khoa thường không hiệu quả.
Không giống các loại sỏi nhỏ khác, sỏi san hô thường không gây đau dữ dội trong giai đoạn đầu, mà âm ỉ tiến triển, chỉ được phát hiện khi đã gây tổn thương đáng kể cho thận. Khi khối sỏi phát triển lớn, nó có thể gây ứ nước, nhiễm trùng, suy thận hoặc nhiễm trùng huyết. Phẫu thuật lấy sỏi là phương pháp điều trị chủ yếu, thường đòi hỏi kỹ thuật cao và can thiệp phức tạp do cấu trúc phân nhánh ăn sâu vào nhu mô thận.
![]() |
Sau phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân đang bình phục tốt |
Việc phát hiện và điều trị sớm sỏi san hô không chỉ giúp bảo tồn chức năng thận mà còn giảm thiểu nguy cơ phải chạy thận hoặc cắt bỏ thận trong tương lai. BS.Phú khuyến cáo, người dân không nên xem nhẹ các triệu chứng như đau âm ỉ vùng hông lưng kéo dài, tiểu buốt, nước tiểu đục, hoặc tình trạng sốt nhẹ tái diễn không rõ nguyên nhân kèm mệt mỏi, chán ăn. Những biểu hiện này có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của sỏi thận, đặc biệt là sỏi san hô người dân cần đến bệnh viện thăm khám sớm.
Theo BS.Phú, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sỏi san hô có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như ứ mủ thận, nhiễm trùng đường tiết niệu kéo dài, thậm chí gây nhiễm trùng huyết và mất hoàn toàn chức năng thận bị tổn thương.