Theo số liệu từ báo cáo tài chính các ngân hàng trên sàn chứng khoán, tổng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý 2/2024 của 27 ngân hàng là 35.416 tỷ đồng, tăng 13,3% so với quý 1/2024 và tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu cho thấy, đây là kỷ lục mới của các ngân hàng trên sàn chứng khoán, vượt qua đỉnh cũ là 34.507 tỷ đồng hồi quý 4/2022.
Ngân hàng tốn nhiều chi phí dự phòng nhất là VPBank, với 8.313 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay và tăng 44% so với quý 1/2024.
VietinBank kỳ này giảm 2,9% chi phí dự phòng so với quý trước, đạt 7.817 tỷ đồng, nhờ đó cải thiện được 1 bậc trên bảng xếp hạng.
Đứng thứ 3 là BIDV với 5.358 tỷ đồng, tăng 22% so với quý trước. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của 3 ngân hàng VPBank, VietinBank và BIDV bỏ khá xa so với các ngân hàng phía sau.
Cụ thể, MB, Techcombank, Vietcombank, VIB và HDBank có chi phí dự phòng trong khoảng 1.000-2.000 tỷ đồng quý vừa qua. Trong đó Techcombank dự phòng 1.644 tỷ đồng, tăng 36% so với quý trước.
Đáng chú ý, ở phần giữa bảng xếp hạng, một loạt ngân hàng ghi nhận chi phí dự phòng cao hơn gấp đôi so với quý trước, như SeABank, LPBank, ABBank, OCB, KienlongBank, Nam A Bank.
Ngược lại, cũng có các ngân hàng giảm được chi phí dự phòng, như TPBank giảm 20%, SHB giảm 29%, Sacombank giảm 31%, Eximbank giảm 22%.
VietABank là ngân hàng duy nhất không phải trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, mà được hoàn nhập 12 tỷ đồng.