Từ Hi Thái hậu (1835 - 1908) là người nắm giữ quyền lực "một tay che trời" cuối thời nhà Thanh. Nổi tiếng với lối sống vô cùng xa hoa, hoang phí, những giai thoại về Từ Hi là vô vàn. Đến cả khi qua đời, không có gì ngạc nhiên khi thái hậu tổ chức đám tang của mình hoành tráng chẳng kém hoàng đế. Nơi yên nghỉ của Từ Hi - Định Đông lăng trong quần thể Thanh Đông lăng được đánh giá là to hơn cả lăng của các Hoàng đế.
Chân dung Từ Hi Thái hậu
Với vua chúa thời phong kiến, bao giờ khi an táng cũng sẽ được chôn cất cùng rất nhiều vàng bạc châu báu để vừa thể hiện quyền uy, vừa vì niềm tin rằng của cải sung túc cũng sẽ mang được xuống "suối vàng". Trong hồi ký Ái Nguyệt Hiên bút ký của Lý Liên Anh - thái giám thân tín của Từ Hi Thái hậu có viết lúc qua đời, bà đã cho ra lệnh phải tùy táng mình với số kho báu khổng lồ khó có thể tưởng tượng được.
Trong số các bảo vật, nổi bật nhất, đáng giá nhất phải kể đến viên dạ minh châu được Từ Hi vô cùng yêu thích lúc sinh thời. Nó là một viên ngọc quý khổng lồ, được đặt ngay trong miệng Thái hậu và giá trị khiến ai cũng phải choáng váng. Ngoài ra, vì tin lời đồn ngọc có thể chống phân hủy thi thể nên Từ Hi đã ra lệnh người hầu phải đặt thứ này vào miệng mình khi lìa đời.
Cảnh nhét ngọc vào miệng Từ Hi trong một bộ phim truyền hình
Theo cuốn sách Vụ trộm lăng mộ của Từ Hi của chuyên gia lịch sử Tường Bặc Lực, viên dạ minh châu khoảng 700 carat, nặng khoảng 133,4 gram, trị giá 10,8 triệu lượng bạc thời bấy giờ. Nếu tính ra tiền mặt, nó giá trị khoảng 10 triệu nhân dân tệ vào cuối thời Thanh. Khi so sánh mức giá với thời hiện đại thì đến nay gần như không thể ước lượng được nữa. Có chuyên gia thì định giá có giá bây giờ khoảng 800 triệu nhân dân tệ, tức gần 3.000 tỷ đồng.
Theo một số tài liệu, có thể viên dạ minh châu khổng lồ này xuất xứ từ Đế quốc Mogul (thuộc khu vực Ấn Độ ngày nay). Vào năm 1760, báu vật được sứ giả nước ngoài tặng cho Hoàng đế Càn Long và lưu truyền trong hoàng tộc nhà Thanh.
Thế nhưng mong muốn của Từ Hi rằng viên ngọc yêu quý sẽ cùng mình đi xuống suối vàng đã không bao giờ thành thực. Vì quá nhiều châu báu, lăng mộ bà dĩ nhiên đã trở thành mục tiêu "yêu thích" của những kẻ trộm mộ.
Vào năm 1928, Tôn Điện Anh đã thực hiện cuộc trộm mộ nổi tiếng lịch sử, phá nát lăng Từ Hi để vơ vét tài sản. Có tài liệu ghi rằng chính đạo tặc đã miêu tả lại viên ngọc như sau: "Nó được chia thành hai mảnh, khi đóng lại là một quả cầu vô cùng đẹp, phát sáng màu xanh lá, trong đêm tối đứng cách xa vẫn soi rõ được từng sợi tóc".
Tôn Điện Anh đã phá nát mộ Từ Hi 20 năm sau khi bà mất
Vì có mục đích trộm mộ làm giàu nên Tôn Điện Anh và đàn em đã bán viên dạ minh châu đi. Báu vật qua tay nhiều người chủ giàu có và nổi tiếng nhất là từng thuộc về Tống Mỹ Linh, phu nhân của Tưởng Giới Thạch. Tống Mỹ Linh rất thích và sử dụng viên dạ minh châu này thường xuyên, thậm chí còn từng đính lên giày làm trang sức.
Tống Mỹ Linh là chủ nhân được biết đến cuối cùng của viên dạ minh châu
Thế nhưng rồi thời đại loạn lạc, lịch sử biến động, sau Tống Mỹ Linh, viên dạ minh châu 3.000 tỷ đã lưu lạc bốn phương trời, cho đến ngày nó không còn rõ tung tích nữa.
Một bản dựng mô phỏng viên ngọc quý
Trong hàng chục năm qua, đã có biết bao lời đồn thổi, suy đoán về số phận của bảo vật. Một trong số đó cho rằng nó đã thuộc về John D. Rockefeller - vị tỷ phú ở tận nước Mỹ xa xôi phía bên kia bán cầu. Ông là trùm dầu mỏ khét tiếng và là người được mệnh danh giàu nhất hành tinh vào đầu thế kỷ 20. Từng có thời tài sản của Rockefeller chiếm gần 2% giá trị nền kinh tế nước Mỹ. Viên dạ minh châu đến hiện giờ có thể vẫn nằm trong bộ sưu tập của gia tộc Rockefeller nhưng không được công khai.
Một tin đồn khác thì cho rằng viên ngọc quý sau thời của Tống Mỹ Linh hiện vẫn ở lại Đài Loan (Trung Quốc). Tuy nhiên, chủ nhân nắm giữ nó thì là một ẩn số. Hậu thế có thể sẽ vĩnh viễn không được chiêm ngưỡng hình ảnh thực sự của viên dạ minh châu lấp lánh vô giá này.
Nguồn: Sohu