Kỹ năng sống

Sợ mang vạ khi cứu người bị tai nạn

Đến bây giờ, Việt, 35 tuổi, đội trưởng FAS Angel (First Aid Support - Angel), chuyên sơ cứu người bị tai nạn giao thông ở Hà Nội vẫn chưa quên lần đầu tiên bị đánh khi đang cứu người, cuối 2019.

"Thằng khốn, sao mày làm con tao thế này?", một người kéo Việt dậy rồi đấm mạnh vào mặt. Anh chưa kịp giải thích, nhiều người nhà nạn nhân vây lấy chửi mắng, đấm đá loạn xạ. Những người xung quanh xúm vào can và nói "Người ta đang cứu con ông đấy". Lúc này, những người đang hùng hổ lao vào anh mới dịu lại khi nhìn thấy cánh tay đeo băng chữ thập đỏ.

"Chuyện bị người nhà nạn nhân hiểu nhầm gây tai nạn nhiều như cơm bữa. Nhẹ thì bị chửi mắng, nặng thì bị đánh", Phạm Quốc Việt nói.

Sau này, khi được trang bị thêm đồng phục gồm áo, mũ, đeo băng chữ thập đỏ, đội ít bị hiểu nhầm hơn. "Lời xin lỗi nói ra dễ lắm, nhưng vết bầm và cảm giác oan ức khi cứu người mà bị đánh đau không dễ gì xoa dịu", anh chia sẻ. Đến nay, hơn 50 thành viên của FAS Angel đã bỏ việc vì không vượt qua được áp lực tâm lý này.

Anh Việt sơ cứu cho một phụ nữ bị gẫy xương bàn tay do tai nạn tại phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng hồi tháng 11/2019. Ảnh:Nhân vật cung cấp.

Tình nguyện viên đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel sơ cứu cho một cô gái bị tai nạn giao thông, trên cầu Nhật Tân, Hà Nội, tháng 8/2022. Ảnh: FAS Angel

Chuyện hàm oan khi dừng lại cứu giúp người gặp tai nạn không hiếm gặp. Tháng 6/2022, chồng chị Nguyễn Thị Hồng ở Quảng Ninh gặp một phụ nữ đi xe đạp, va quệt với ôtô khách, nằm bên đường. Một người dừng lại, vẫy xe chồng chị Hồng nhờ đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Hôm sau, vợ chồng chị Hồng bị công an triệu tập bởi gia đình nạn nhân kiện, cho rằng đã gây tai nạn cho người phụ nữ. Bức xúc vì bị oan, chị Hồng lên mạng xã hội chia sẻ câu chuyện, tìm người làm nhân chứng, đến công an làm việc. Sau đó không lâu, cơ quan chức năng tìm ra tài xế xe khách gây tai nạn, minh oan cho vợ chồng chị Hồng.

"Giúp người lại bị tố hại người, mất thời gian, rước bực vào người", chị Hồng nói.

PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng chính nỗi lo bị hiểu nhầm, bị liên lụy pháp luật như đội FAS Angel của anh Việt hay chồng chị Nguyễn Hồng khiến một số người vô cảm trước nạn nhân tai nạn giao thông.

Theo ông Đức, áp lực cuộc sống, áp lực giao thông trong quá trình đô thị hóa cũng là nguyên nhân của thói vô cảm. "Nhiều người nghĩ rằng cứu người là công việc của 115. Nếu họ dừng lại sẽ cản trở giao thông, khi đường sá vốn đã tắc nghẽn hoặc họ sẽ phải đi làm muộn, đi học trễ, ảnh hưởng công việc, đảo lộn cuộc sống", ông nói.

Thiếu tá Trần Quang Chinh, đội phó đội CSGT số 6 (Công an TP Hà Nội), cho hay chuyện cứu người gây tai nạn rồi bị hiểu nhầm không phải chuyện hiếm. "Đặc biệt, trên những tuyến đường cao tốc vào ban đêm, lượng xe qua lại và mật độ dân sống ven đường ít, thường xảy ra tình trạng người gây tai nạn bỏ trốn. Khi đó, người cứu nạn lại dễ bị người nhà nạn nhân nhầm là người gây tai nạn", anh Chinh nói.

Tuy nhiên, theo thiếu tá Chinh, cứu người bị nạn trên đường là điều phải làm, không chỉ bởi đạo đức mà là trách nhiệm được pháp luật quy định. Theo đó, không cứu người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu có thể bị phạt 0,5-1 triệu đồng đối với cá nhân, 1-2 triệu đồng đối với tổ chức. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Điển hình nhất, ngày 31/1, Viện kiểm sát nhân dân huyện Can Lộc, Hà Tĩnh đã công bố quyết định khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú về tội Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng đối với Nguyễn Thị Hằng, 31 tuổi, trú huyện Yên Thành, Nghệ An.

Bác sĩ Quan Thế Dân, Phó giám đốc, Trưởng khoa Cấp cứu và Điều trị tích cực Bệnh viện Đa khoa Trí Đức Thành (Thanh Hóa) cho biết, càng được sơ cấp cứu kịp thời, bệnh nhân gặp tai nạn giao thông càng có cơ hội giảm bớt tổn thương, khả năng được cứu sống càng cao.

Anh Nguyễn Minh Tiến (30 tuổi, ở Thanh Hóa) bị tai nạn ở ngã tư đường trưa tháng 9/2022, chấn thương vùng đầu. Tai nạn xảy ra gần công ty nên đồng nghiệp đã ra hỗ trợ có điều không ai có xe ôtô đưa anh đi cấp cứu. Những người bạn anh Tiến phải vẫy ba, bốn lượt xe mới có người dừng lại. Nhưng thấy máu chảy bê bết, họ sợ anh Tiến đã tử vong, không dám chở. Đến lúc cả đội quây lại, dọa nếu không đưa anh đến viện gấp sẽ đập vỡ xe, tài xế mới chịu chở.

Tiến trải qua đợt phẫu thuật não, may mắn vượt qua giai đoạn nguy hiểm nhờ can thiệp đúng thời điểm vàng. "Bác sĩ ở bệnh viện tỉnh nói không biết tôi có sống để ra đến Hà Nội không, nhưng nhờ được sơ, cấp cứu kịp thời và mổ gấp, giờ tôi khỏe mạnh hoàn toàn", anh nói.

Không may mắn như Tiến, theo dữ liệu từ thống kê y tế Việt Nam giai đoạn 2019-2020, mỗi năm có khoảng 33.000 người chết do tai nạn. Mỗi ngày có 3.600 các trường hợp bị thương tích (trong đó có khoảng 40 người là tai nạn giao thông). Tỉ lệ tử vong do tai nạn thương tích ở Việt Nam hiện nay lên đến 11%, chỉ sau các bệnh tim mạch (18%) và bệnh truyền nhiễm (15%).

Một tài xế taxi va chạm với xe máy, khiến cô gái nằm bất động và nam thanh niên co giật, tháng 6/2019. Sau va chạm, tài xế xuống xe nhìn nạn nhân rồi lái ôtô đi khỏi hiện trường. Hơn 10 phút sau, nhiều người đi ngang phát hiện nhưng cũng bỏ mặc nạn nhân. Cô gái sau đó tử vong, nam thanh niên được đưa đến bệnh viện điều trị. Ảnh: Cắt từ camera.

Một tài xế taxi va chạm với xe máy, khiến cô gái nằm bất động và nam thanh niên co giật, tháng 6/2019. Sau va chạm, tài xế xuống xe nhìn nạn nhân rồi lái ôtô đi khỏi hiện trường. Hơn 10 phút sau, nhiều người đi ngang phát hiện nhưng cũng bỏ mặc nạn nhân. Cô gái sau đó tử vong, nam thanh niên được đưa đến bệnh viện điều trị. Ảnh: Ảnh cắt từ camera an ninh.

Chị Nguyễn Thu Thủy (37 tuổi, ở Hà Nội) cho biết, bản thân không vô cảm khi thấy người gặp tai nạn giao thông, cũng không sợ bị hiểu nhầm nếu có thể cứu người. Nhưng điều chị lo ngại là không có kỹ năng sơ cứu, sợ làm sai khiến họ bị chấn thương nặng hơn. "Tôi được biết trong tình huống như vậy, cách tốt nhất là gọi điện cho lực lượng cấp cứu hoặc tìm người có chuyên môn gần nhất", chị nói.

Bác sĩ Dân cho hay, theo lý thuyết, giải pháp chị Thu Thủy nói hoàn toàn đúng. Nhưng với điều kiện giao thông ở Việt Nam, thành phố lớn tắc đường, vùng núi cao heo hút, nếu đợi xe cấp cứu, "biết đến khi nào mới đưa được người bị nạn đến viện".

Nên theo ông, trang bị kỹ năng về sơ cấp cứu cho toàn dân là việc cần thiết. "Muốn được như vậy, các trường học, các cơ quan, tổ chức phải có những buổi dạy kỹ năng sơ cấp cứu phòng trường hợp nguy cấp", ông nói.

Khi gặp nạn nhân tai nạn, bác sĩ Dân khuyên phải đánh giá nhanh tình huống nguy hiểm nạn nhân đang gặp. Với các nạn nhân ngưng tim, ngưng thở cần phải thực hiện ngay cấp cứu hồi sinh tim phổi bao gồm ép tim, khai thông đường thở, thổi ngạt. Nếu chảy máu ồ ạt phải dùng vải để băng ép chặt để cầm máu tạm thời. Khi di chuyển bệnh nhân phải di chuyển trên nền cứng (như ván), tránh nguy hiểm nếu nạn nhân có tổn thương cột sống, cho bệnh nhân nằm nghiêng để tránh chèn ép đường thở....

Đồng quan điểm, thiếu tá Trần Quang Chinh, cho rằng mỗi người dân nên tìm hiểu về sơ cấp cứu tạm thời do các bác sĩ hướng dẫn trên các clip, trong các đợt tuyên truyền về an toàn giao thông. Ngoài ra, để tránh những hiểu nhầm không đáng có khi cứu người gặp nạn, tốt nhất người đi đường nên quay phim, chụp ảnh hoặc livestream vụ việc trước khi cấp cứu để làm bằng chứng.

* Tên một số nhân vật trong bài thay đổi.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm