Ban Quản lý Dự án Thăng Long (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) vừa lập dự thảo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1 theo phương thức PPP. Trước đó, vào tháng 9/2022, dự án đã được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phê duyệt chủ trương đầu tư.
Đi qua 11 xã và 4 huyện của Đồng Nai
Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1 được nghiên cứu trong phạm vi 70 km dọc theo quốc lộ 20, từ nút giao Dầu Giây (huyện Thống Nhất) đến huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, bao gồm khu vực từ quốc lộ 20 tới lưu vực sông La Ngà ở phía đông, thuộc địa phận các huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú.
Điểm đầu tuyến trùng với điểm cuối của cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (thuộc địa phận thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất). Điểm cuối tuyến nằm tại vị trí giao cắt với quốc lộ 20 (thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú).
Tổng chiều dài của cao tốc Dầu Giây - Tân Phú là 60,1 km, đi qua 11 xã của 4 huyện. Trong đó: đoạn qua huyện Thống Nhất (thị trấn Dầu Giây và xã Xuân Thiện) dài khoảng 16 km; đoạn qua huyện Xuân Lộc (xã Xuân Bắc) dài khoảng 1 km; đoạn qua huyện Định Quán (xã Suối Nho, Phú Ngọc, Gia Canh) dài khoảng 25 km và đoạn qua huyện Tân Phú (xã Phú Điền, Phú Thanh, Phú Bình, Phú Lâm, Phú Trung) dài khoảng 18,1 km.
Tổng nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên theo quy mô hoàn chỉnh của dự án là gần 312 ha. Trong đó huyện Thống Nhất hơn 78 ha; huyện Định Quán 127 ha; huyện Xuân Lộc 10 ha; huyện Tân Phú 96 ha.
Trong cơ cấu chiếm dụng đất của dự án, có gần 87 ha đất lúa; đất trồng cây lâu năm 187 ha; đất rừng trồng hơn 27 ha (gồm 8 ha rừng phòng hộ và 19 ha rừng sản xuất); đất ở khoảng 11 ha.
Để thực hiện dự án sẽ phải thực hiện di dời 349 hộ gia đình, trong đó có 344 hộ là nhà cấp 4 và 5 ngồi nhà mái bằng cao 2 tầng, dự kiến ảnh hưởng tới khoảng 1.500 nhân khẩu.
Về quy mô thiết kế, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú khi hoàn chỉnh sẽ có 4 làn xe cao tốc với mặt cắt ngang tối đa 24,75 m, vận tốc thiết kế tối đa 100 km/h, có làn dừng khẩn cấp.
Đối với phần tuyến đường thông thường, mặt cắt ngang tuyến là 17 m, trong đó mặt đường xe chạy 14 m; dải phân cách giữa 0,5 m; dải an toàn giữa 1 m; dải an toàn ngoài 0,5 m và lề đường 1 m.
Đối với phần cầu trên tuyến, mặt cắt ngang là 24,75 m, trong đó bề rộng mặt đường xe chạy 14 m; giải phân cách giữa 0,75 m; dải an toàn giữa 1 m; dải an toàn ngoài 8 m và lan can 1 m.
4 nút giao liên thông, 26 tuyến đường gom
Nằm trên cao tốc Dầu Giây - Tân Phú sẽ có 4 nút giao liên thông, được bố trí để kết nối với các khu trung tâm hành chính, các khu công nghiệp, cùng với đường ngang tạo thành mạng lưới giao thông hợp lý giúp phát triển các khu vực cao tốc đi qua.
Nút giao liên thông đầu tiên là nút giao với Quốc lộ 1, giúp liên kết với các đường: cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 1, quốc lộ 20 và trung tâm huyện Thống Nhất.
Cách đó 16,5 km là nút giao liên thông với ĐT763, giúp kết nối cao tốc với quốc lộ 20, quốc lộ 1 thông qua ĐT763.
Đi tiếp 21,5 km là nút giao liên thông với KCN Cao Cang. Từ nút giao này có thể kết nối với Quốc lộ 20, Quốc lộ 1, trung tâm huyện Định Quán, KCN Cao Cang đang quy hoạch và huyện Đức Linh (Bình Thuận).
Đi tiếp 19 km là nút giao liên thông cuối cùng - nút giao với quốc lộ 20. Từ đây có thể kết nối với quốc lộ 20 và trung tâm huyện Tân Phú.
Ngoài ra, còn một nút giao khác tại vị trí giao cắt với ĐT770, tuy nhiên sẽ xem xét đầu tư vào thời điểm phù hợp.
Bên cạnh đó, toàn tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú sẽ có hệ thống 26 tuyến đường gom bố trí hai bên, tổng chiều dài gần 17 km. Các đường gom được sử dụng kết cấu mặt đường láng nhựa 3 lớp. Ngoài ra sẽ kết hợp sử dụng hệ thống đường bộ hiện tại để liên hệ hai bên tuyến.
Nước trên mặt đường sẽ chảy theo độ dốc mặt đường về rãnh biên hoặc xuống chân taluy nền đắp, từ đó chảy theo địa hình tự nhiên về các vị trí trũng hoặc chảy qua các cống bố trí trên tuyến.
Xây dựng 31 cây cầu
Toàn tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú sẽ xây dựng 31 công trình cầu, bao gồm 11 cầu vượt dòng chảy và 21 cầu cắt ngang/nút giao.
11 cầu vượt dòng chảy có tổng chiều dài 1.323 m, bao gồm: Cầu Bàu Hàm 1 cắt qua suối Gia Dung 1, 2 thuộc xã Bàu Hàm, Định Quán, chiều dài hơn 113 m.
Cầu Bàu Hàm 2 cắt qua suối Gia Dung 2 thuộc xã Bàu Hàm, Định Quán, chiều dài gần 111 m.
Cầu Đá 1 tại Km12 thuộc xã Bàu Hàm, huyện Định Quán, chiều dài 111 m.
Cầu Suối Nho cắt qua suối Nho thuộc xã Xuân Bình, thị xã Long Khánh và xã Suối Nho, huyện Định Quán, chiều dài 78 m.
Cầu Đa Hoa cắt qua suối Đa Hoà thuộc xã Suối Nho, Định Quán, chiều dài 43 m, khu vực đầu cầu phía nam có nhà dân thuộc diện phải di dời.
Cầu Tà Rua cắt qua suối Tà Rua, nằm ở ranh giới xã Suối Nho, huyện Định Quán và xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc, chiều dài 43 m.
Cầu La Ngà cắt quâ dòng sông La Ngà, cách Thác Trời khoảng 770 m về phía thượng lưu, thuộc địa phận xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc và thị trấn Định Quán. Chiều dài cầu 211 m, có 3 nhà dân ở đầu cầu.
Cầu Suối Đá cắt qua suối nhỏ thuộc địa phận xã Gia Canh, huyện Định Quán, chiều dài 45 m.
Cầu Đồng Hiệp cắt qua sông Đồng Hiệp, thuộc xã Phú Điền, huyện Tân Phú, chiều dài 279 m.
Cầu Phú Thanh nằm tại Km50 của cao tốc, thuộc địa phận xã Phú Thanh, huyện Tân Phú, chiều dài 78 m.
Cuối cùng là Cầu vượt quốc lộ 20 tại vị trí giao với quộc lộ 20, thuộc xã Phú Trung, huyện Tân Phú, chiều dài 210 m.
21 cầu vượt ngang và cầu trong nút giao còn lại có tổng chiều dài 2.130 m, trong đó có các cầu vượt nút giao quốc lộ 1; 2 cầu vượt nút giao ĐT763; 2 cầu vượt Thác Mai; 2 cầu vượt khu vực Cao Cang và 1 cầu vượt nút giao Tân Phú.
Ngoài ra, trên cao tốc sẽ có 27 cống chui dân sinh và 98 cống thoát nước ngang.
4 trạm thu phí
Theo chủ trương đầu tư được phê duyệt, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1 được đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT). Trên cao tốc sẽ bố trí các công trình phục vụ, quản lý khai thác, cụ thể là 4 trạm thu phí theo hình thức thu phí kín.
Đầu tiên là trạm nút giao ĐT.763, có chiều rộng 22,5 m, gồm 3 làn ra, 2 làn vào, chiều dài trạm 174 m, tổng diện tích giải phóng mặt bằng (GPMB) hơn 1,4 ha.
Trạm thu phí nút giao Cao Cang có bề rộng 22,5 m với 4 làn ra và 2 làn vào, chiều dài trạm 250 m, tổng diện tích GPMB 1,55 ha.
Trạm thu phí nút giao Tân Phú có chiều rộng 24,75 m, gồm 3 làn ra và 2 làn vào, chiều dài trạm 243 m, tổng diện tích GPMB gần 1,5 ha.
Trạm thu phí thứ 4 là trạm tại nút giao Dầu Giây. Vị trí chính xác của các trạm thu phí sẽ được nghiên cứu ở Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Theo khảo sát của Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải - CTCP, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú dự kiến sử dụng 9 mỏ đất (Mỏ La Ngà, mỏ đồi Lê Minh, mỏ Ong Tiếu, mỏ đồi Đông Bắc, mỏ Phú Thanh, mỏ đồi Mung 1, mỏ Thanh Sơn, mỏ Phú Trung và mỏ Phú Sơn); 5 mỏ cát (Mỏ COGIDO Tân Mai, mỏ Bến Nôm, mỏ La Ngà, mỏ Thượng Nguồn và mỏ Tà Lài); 5 mỏ đá (Mỏ Núi Nứa, mỏ SOKLU 5, mỏ SOKLU 6, mỏ SOKLU 2 và mỏ Gia Canh).
Có thể thể hoàn trong nửa đầu năm 2025
Về tiến độ, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú sẽ thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, 2021 - 2022 lập, thẩm định phê duyệt; từ năm 2023 bắt đầu GPMB, bàn giao mặt bằng, thi công lán trại, trạm trộn bê tông, tập kết vật liệu, nhân công, thi công các hạng mục chính (60 km đường, 31 cầu, 4 nút giao...).
Năm 2025, dự án sẽ tiến hành hoàn nguyên môi trường, từ quý II/2025 bắt đầu nghiệm thu công trình và đưa vào khai thác.
Tổng mức đầu tư của cao tốc Dầu Giây - Tân Phú gần 8.366 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây lắp và thiết bị là 4.963 tỷ đồng; chi phí GPMB chiếm 1.288 tỷ đồng; chi phí quản lý, tư vấn khai thác là 596 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 872 tỷ đồng và chi phí lãi vay tạm tính là 648 tỷ đồng.
Tại dự án này, vốn ngân sách nhà nước chiếm khoảng 1.300 tỷ đồng, dùng cho công tác GPMB, trích từ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 7.066 tỷ đồng (trong đó vốn chủ sở hữu 1.413 tỷ đồng và vốn vay thương mại 5.653 tỷ đồng).