Lợi thế cảng biển
Kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau khi dần kiểm soát được Covid-19. Bất động sản khu công nghiệp được giới phân tích đánh giá sẽ hưởng lợi trong đà phục hồi này và đón sóng tăng trưởng mạnh mẽ. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn Việt Nam là điểm dừng chân để phát triển sản xuất. Các khu công nghiệp mới được thành lập và đi vào hoạt động để đón sóng dịch chuyển này tạo ra sức cạnh tranh lớn trong thu hút đầu tư vào KCN.
Nhưng với lịch sử hơn 20 năm hình thành và phát triển, KCN Cái Mép nổi tiếng thu hút được đông đảo nhà đầu tư trong và ngoài nước nhờ lợi thế riêng.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm các tỉnh TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương, KCN Cái Mép có lợi thế cạnh tranh hơn một số khu công nghiệp khác khi KCN nằm ở cụm cảng biển nước sâu Cái Mép, thuận lợi về giao thông đường bộ, đường thuỷ. Khu công nghiệp Cái Mép chỉ cách sân bay Long Thành 47km, cách TP.HCM 70m, cách thành phố Vũng Tàu 40km, dễ dàng kết nối với trung tâm kinh tế lớn của cả nước là TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Khu công nghiệp có diện tích 670 ha toạ lạc tại Phường Tân Phước và Phường Phước Hoà thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu do Tổng công ty xây dựng Sài Gòn TNHH Một thành viên (SGCC) làm chủ đầu tư.
Lợi thế cảng biển là yếu tố thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp Cái Mép. Hệ thống cảng nước sâu quốc gia gồm Cảng Tân Cảng Cái Mép- Thị Vải (có năng lực tiếp nhận tàu có trọng tài 160.000 DWT), cảng Container quốc tế Cái Mép (có năng lực tiếp nhận tàu có trọng tài 110.000 DWT), cảng Gemalink (có năng lực tiếp nhận tàu có trọng tài 200.000 DWT) tạo điều kiện cho các tàu có trọng tải lớn thuận lợi đưa hàng vào nhà máy đặt tại khu công nghiệp gần cụm cảng. Đặc biệt những nhà máy sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp nặng như hoá chất, dầu khí…rất thích chọn nằm tại gần cảng biển.
Hạ tầng đồng bộ, nhiều ưu đãi hút nhà đầu tư
Hiện nay, hạ tầng KCN Cái Mép đã gần như hoàn chỉnh và kết nối đồng bộ với các trục đường chính của toàn khu vực. Đến với KCN Cái Mép, nhà đầu tư nhận được nhiều ưu đãi như áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định, miễn thuế nhập khẩu, xuất khẩu đối với các loại hàng hoá theo quy định của pháp luật.
Khu công nghiệp ưu tiên cho các nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất theo đúng quy hoạch chức năng của KCN Cái Mép.
Tổng công ty xây dựng Sài Gòn TNHH Một thành viên (SGCC) cho biết, doanh nghiệp luôn luôn chào đón các nhà đầu tư quan tâm đến tìm hiểu tại Khu công nghiệp Cái Mép. Mục tiêu của KCN Cái Mép là thu hút đầu tư các dự án trong các lĩnh vực công nghiệp nặng chuyên dùng như ngành công nghiệp chế biến khí đốt, xăng dầu, luyện kim, các ngành cơ khí chế tạo, dịch vụ vận tải biển, chế biến thực phẩm.
Hạ tầng KCN Cái Mép được hoàn thiện đồng bộ với hệ thống cấp điện, hệ thống cấp nước, hệ thống xử lý nước thải, đường giao thông nội khu, hệ thống cấp khí đốt công nghiệp và các hạ tầng tiện ích khác.
Hiện nay, KCN Cái Mép đã cho thuê được diện tích trên 150 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 60%, trong đó có thể kể đến một số dự án tiêu biểu như: Tập đoàn Hyosung với diện tích 67,8 ha; nhà máy xay sát bột mỳ Interflour quy mô 28,1 ha; dự án nhà máy hoá lỏng khí LPG và dự án của Condensate với quy mô 40,8 ha; dự án của Công ty TNHH AGC Việt Nam…
Trong xu thế phát triển của thị trường bất động sản khu công nghiệp, KCN Cái Mép dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút được đông đảo nhà đầu tư.