Cách đây chưa đến hai tuần, chàng trai 23 tuổi Ukey còn hồi hộp từng ngày để vào làm tại Coinbase - sàn giao dịch tiền số lớn nhất Mỹ. Anh không quá cuồng tín với tiền điện tử và thậm chí còn không có tài khoản Coinbase khi nhận lời đề nghị làm việc tại đây. Mối quan tâm của anh tập trung nhiều hơn vào máy học - công nghệ mà anh đang xem xét theo học chương trình tiến sĩ tại Illinois.
Tuy nhiên, Coinbase sau đó hủy lời mời với Ukey và hàng trăm người khác, bên cạnh việc sa thải hơn 1.100 nhân sự. Anh cảm thấy không thoải mái và thậm chí bắt đầu ác cảm với công việc trong lĩnh vực tiền điện tử.
"Có rất nhiều tiềm năng để làm việc trong lĩnh vực tiền điện tử, nhưng tôi nhận ra chúng cũng có những thách thức không kém", Ukey cho biết. "Trước mắt, tôi không muốn tham gia vào môi trường tiền số vì nó kém ổn định hơn rất nhiều so với các lĩnh vực và ngành công nghệ lớn khác".
Không chỉ Ukey, nhiều sinh viên sắp và mới tốt nghiệp tại Mỹ, như ở Đại học California tại Los Angeles (UCLA), Đại học Texas ở Austin, Đại học California ở Berkeley... đều bày tỏ lo ngại về việc gia nhập vào hàng ngũ kỹ sư công nghệ chuyên về tiền điện tử kể từ khi họ nhận được các lời mời từ các công ty khởi nghiệp về blockchain.
Chỉ vài tháng trước đó, các startup về blockchain, tiền số, Web3... dường như là điểm đến hàng đầu đối với sinh viên công nghệ Mỹ. Còn giờ đây, thị trường tiền số lao dốc khiến các doanh nghiệp rơi vào khó khăn một cách chóng vánh và buộc phải thu hẹp chi tiêu.
Ryan Riahi, tốt nghiệp UCLA cuối năm ngoái, trải qua một loạt các đợt phỏng vấn và thử thách của Coinbase để được chọn vào làm cho công ty. Anh thậm chí bỏ qua lời mời hấp dẫn từ Meta. "Với tôi, Coinbase là công ty hàng đầu, nhưng giờ có lẽ tôi không còn suy nghĩ đó", Riahi nói. Anh tiếp tục được Binance Mỹ mời làm việc nhưng từ chối lập tức.
"Tôi sẽ tránh xa hoàn toàn các công ty tiền điện tử và Web3", anh cho biết.
Thị trường tiền số được dự đoán bước vào giai đoạn khốc liệt nhất của "mùa đông crypto". Từ vốn hóa hơn hai nghìn tỷ USD vào 7 tháng trước, thị trường giờ giảm còn dưới một nghìn tỷ USD và tiếp tục đi xuống. Từ mức đỉnh 69.000 USD, giá Bitcoin cũng lần đầu về mốc 18.000 USD kể từ 2020. "Chúng ta đang tiếp tục chặng đường của suy thoái. Tôi nghĩ sẽ còn có rất nhiều nhân viên bị cho nghỉ việc", Michael Adler, đối tác quản lý cấp cao tại công ty tuyển dụng AC Lion, nhận xét.
Cho đến nay, việc sa thải chủ yếu tập trung vào các sàn giao dịch tiền điện tử do đã tuyển quá nhiều nhân viên mới năm qua. Chẳng hạn, năm 2021, Coinbase có 1.250 nhân viên nhưng đã tăng lên 6.000 người đầu năm nay. Hiện công ty buộc phải giảm 18% lực lượng lao động, tương đương 1.100 việc làm. Trong khi đó, BlockFi sa thải 20% nhân viên, còn Gemini đã cắt 10% nhân viên.
Bên cạnh những người sợ làm việc trong môi trường tiền số, vẫn còn một số sinh viên hào hứng với lĩnh vực này. "Ngay cả khi hệ sinh thái không phát triển mạnh, tôi vẫn yêu DeFi (tài chính phi tập trung). Trong tương lai xa, tôi có niềm tin lớn vào các công ty xây dựng hệ thống giao dịch dựa trên blockchain và tiền số. Tôi vẫn rất lạc quan về khía cạnh phát triển nói chung", Jongwon Park, sinh viên năm hai tại Đại học Illinois, cho biết.
Anatoly Yakovenko, người đồng sáng lập Solana Labs, cũng cho rằng sự biến động đang diễn ra chỉ là cú rung lắc ngắn hạn. "Một trong những giai đoạn tốt nhất để tham gia một lĩnh vực là ngay sau khi chúng xảy ra tai nạn", Yakovenko nói. "Crypto có lẽ là lựa chọn tốt nhất cho những sinh viên mới tốt nghiệp ngay lúc này".
(theo Fortune)