Bất động sản

Siết tín dụng bất động sản: Thị trường sẽ hạ nhiệt trong ngắn hạn nhưng nhìn dài hạn sẽ thấy cơ hội

Nhu cầu tìm kiếm đất nền trên chợ địa ốc trực tuyến giảm gần 20% trong tháng 4 vừa qua. (Ảnh minh họa: Hà Lê).

Thị trường bất động sản Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng và trái phiếu. Hai nguồn vốn này chiếm khoảng 75% tổng nguồn vốn phát triển dự án, còn lại là vốn từ khách hàng và vốn chủ sở hữu. Trước đây, vốn ngân hàng chiếm chủ yếu nhưng 5-6 năm gần đây, trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh, nhất là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.

Do đó, sau thông điệp của các cơ quan quản lý liên quan đến việc siết tín dụng và chấn chỉnh hoạt động phát hành trái phiếu trong thời gian vừa qua, không ít chuyên gia lo ngại thị trường địa ốc sẽ gặp khó.

Thực tế, bước sang tháng 4, thị trường đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Lượng quan tâm đến bất động sản trong đã giảm 14% sau ba tháng tăng trưởng mạnh, theo thống kê của Batdongsan.com.vn.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, các thông tin liên quan đến việc thắt chặt tín dụng bất động sản cũng như các chính sách khác đã ảnh hưởng tới hành vi tìm kiếm của người mua trên thị trường. Một số loại hình được nhiều người quan tâm và rất nóng như đất nền đã giảm gần 20%. Những con số này cho thấy cung, cầu trên thị trường đã bị tác động. Còn các nhà đầu tư, các sàn giao dịch đều trong trạng thái chờ đợi để xem diễn biến thị trường.

  • TIN LIÊN QUAN
  • Kiểm soát nguồn vốn vào bất động sản, những rủi ro nào có thể xảy ra?

Cụ thể hơn, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam nhận định, so với việc đánh thuế thì việc hạn chế tín dụng vào bất động sản có tác động lớn hơn. Bởi thị trường bất động sản được quyết định bởi cung và cầu. 

“Khi nguồn vốn tín dụng bị siết lại thì ngay lập tức nó sẽ tác động và tác động nhanh hơn các công cụ khác. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp. Tôi cho rằng thị trường sẽ hạ nhiệt nhanh chóng trong thời gian tới, trước mắt là phân khúc cao cấp, nghỉ dưỡng, đất nền. Tuy nhiên, việc hạ nhiệt này sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Ngược lại, đối với nhóm có nhu cầu ở thật sẽ ít bị ảnh hưởng”, vị này nhận định.

Còn theo Chuyên gia kinh tế Huỳnh Phước Nghĩa, nếu nhìn theo hướng tiêu cực, thị trường bất động sản đang đối diện với áp lực lạm phát đang rất lớn, giá nguyên vật liệu cũng tăng cao trong khi nguồn cung khan hiếm. Chưa kể, nhiều chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn,...

Ông Nghĩa dự báo, trước mắt, từ nay đến cuối năm 2022, dòng tiền vào bất động sản dự báo sẽ tiếp tục khắc nghiệt. Các nhà đầu tư cá nhân dùng đòn bẩy tài chính cũng chịu áp lực liên quan đến tín dụng, dẫn đến thanh khoản có vấn đề. Ngoài ra, việc một số chủ đầu tư bị thanh tra liên quan đến việc huy động vốn sẽ dẫn tới các dự án bị đình trệ,… “Có thể nói thị trường bất động sản đúng nghĩa là đang bị siết”, vị này nói.

Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, vẫn có những góc độ tích cực. Bởi vẫn có những chủ đầu tư không bị áp lực về nguồn vốn và những dự án của họ vẫn được triển khai. Đây vẫn là cơ hội cho những doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, tại một số địa phương hiện nay vẫn còn một lượng lớn các nhà đầu tư có tài chính dưới 2 tỷ đi tìm kiếm những khu vực mới nổi để đầu tư. Do đó, vẫn có những thị trường đang vận hành và phát triển tốt.

Một điểm nữa theo vị chuyên gia này đó là sắp tới, các ngân hàng có khả năng sẽ xem xét lại việc nới lỏng tín dụng vào bất động sản. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư vẫn phải chịu đựng và chờ việc nới lỏng này. Tuy nhiên, song song với việc kiểm soát thì Chính phủ cũng đang có bước chuẩn bị cho các giải pháp về nguồn cung, về phát triển hạ tầng, về quy hoạch đô thị,… 

“Thị trường bất động sản vẫn có rất nhiều cơ hội. Nếu ai nhìn trong dài hạn sẽ thấy cơ hội, từ đó sẽ tái đầu tư và cơ cấu lại danh mục một cách hợp lý hơn. Tóm lại, phải chấp nhận những khắc nghiệt trong ngắn hạn để có thể lạc quan trong dài hạn. Bởi thị trường bất động sản cần phải bền vững hơn”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm