Chất vấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng về vấn đề siết tín dụng BĐS, ĐBQH Lê Thanh Vân cho hay, thị trường bất động sản có vai trò quan trọng với nền kinh tế. Siết chặt tín dụng với bất động sản có thể khiến thị trường đình trệ, khiến người nghèo, nhất là người nghèo ở đô thị, khó mua nhà giá rẻ hơn như mong muốn.
ĐBQH Lê Thanh Vân tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng chiều ngày 8/6
Trong khi đó, mục đích của nhà nước là chống đầu cơ, chống bong bóng bất động sản. Thực tế có nhiều doanh nghiệp bất động sản làm ăn nghiêm túc, đúng pháp luật. “Thống đốc có giải pháp gì về chính sách tiền tệ đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh?” – ĐB Lê Thanh Vân nêu câu hỏi.
Trả lời câu hỏi trên, bà Hồng cho hay thị trường bất động sản gồm nhiều chủ thể, thu hút được nhiều nguồn đầu tư khác nhau. Quan tâm của ngân hàng là rủi ro, mất vốn, rủi ro tín dụng, và quan trọng hơn là rủi ro thanh khoản do tính chất của khoản vay bất động sản là dài hạn, vốn lớn, trong khi khoản tiền gửi là ngắn hạn.
"Ngân hàng Nhà nước có áp lực trong kiểm soát rủi ro như vậy, việc cho vay là của ngân hàng và khách hàng nhưng phải đảm bảo an toàn hệ thống", bà Hồng khẳng định.
Theo Thống đốc Ngân hàng, việc cho vay là của ngân hàng và khách hàng nhưng phải đảm bảo an toàn hệ thống
Về thị trường bất động sản về tăng giá, thổi giá, bà Hồng cho hay đã có quy định chỉ đạo ngân hàng thương mại khi cho vay phải đánh giá tài sản đảm bảo. Tổ chức tín dụng cho vay có tài sản đảm bảo ở những địa bàn mà giá bất động sản bong bóng cao thì phải cẩn trọng kiểm soát rủi ro.
Về nhu cầu mua nhà để ở và sửa chữa, theo Thống đốc có 2,2 triệu tỉ đồng dư nợ bất động sản, thì 65% cho nhu cầu ở và sửa chữa nhà, phục vụ tiêu dùng. Với nhu cầu mua nhà với người thu thập thấp, cũng có chính sách và hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng đã triển khai cho vay cho đối tượng như mua nhà ở xã hội.
Tín dụng là một kênh tham gia đầu tư bất động sản. Nhiều năm trở lại đây, Ngân hàng nhà nước có chủ trương là mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn hiệu quả; tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh và hạn chế vốn vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Lĩnh vực bất động sản có rủi ro mất vốn. Để ngăn rủi ro tín dụng, các ngân hàng chỉ cho vay khi khách hàng đủ điều kiện, đảm bảo khả năng trả nợ. Bản chất bất động sản là tài sản lớn, kỳ hạn dài trong khi tiền gửi của hệ thống ngân hàng là ngắn hạn. Nếu tổ chức tín dụng cho vay không kiểm soát được thì có thời điểm khách hàng đến rút tiền mà không đòi lại được khoản nợ dài hạn.
"Còn cho vay với lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản là do tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng và quyết định, trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động của chính họ", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.