Đưa ra nhận định về thị trường bất động sản thời gian qua, bà Đỗ Thị Thúy Hằng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Kiến Hưng, cho biết: "Thị trường bất động sản chững lại trong 2 năm gần đây đã ảnh hưởng đến hàng chục ngành nghề trong xã hộ và kéo theo tốc độ phát triển kinh tế cũng chậm lại. Những người tham gia thị trường giảm thu nhập, kéo theo những ngành phụ trợ khác bị giảm thị phần rất nhiều".
Tuy nhiên, cùng với việc Luật Đất đai sửa đổi được khai thông, thị trường bất động sản sẽ khởi sắc trở lại. "Ngay từ đầu năm 2024, tỷ lệ môi giới bất động sản trở lại nghề tăng trở lại. Từ nửa cuối năm 2023 đến đầu năm 2024 là giai đoạn của tiền rẻ, lãi suất thấp cùng với hành lang pháp lý đầy đủ hơn sẽ là yếu tố thúc đẩy các nhà đầu tư quay trở lại thị trường", bà Hằng chia sẻ tại tọa đàm "Cơ hội đầu tư bất động sản với Luật Đất đai sửa đổi".
Tuy vậy, bà Hằng cũng cho rằng cơ hội cho người này lại là thách thức cho người khác. Các doanh nghiệp bất động sản quy mô nhỏ cần phải xác định lại định hướng của mình để phù hợp hơn với thay đổi của thị trường.
Về xu hướng bất động sản năm 2024, bà Hằng cho rằng các sản phẩm bất động sản có pháp lý rõ ràng sẽ được ưu tiên. Ngoài ra, các nhà đầu tư thay vì "tất tay" vào một dự án như trước, sẽ phân bổ nguồn tài chính vào nhiều dự án khác nhau nhằm giảm thiểu rủi ro.
"Cùng với Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi và sự bắt tay của các bên, thị trường bất động sản thời gian tới sẽ phát triển một cách minh bạch hơn, tốt hơn, không chỉ tốt cho chúng ta mà còn cả cho thế hệ con cháu sau này", Tổng giám đốc Địa ốc Kiến Hưng nhận định.
Theo nhận định của TS Ngô Công Thành - Liên chi hội Tài chính khu công nghiệp thuộc VFCA, thị trường bất động sản đang được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố thuận lợi. Tăng trưởng kinh tế ổn định trong những năm qua và dự kiến sẽ đạt 6,5% trong năm nay sẽ là động lực kích thích cho thị trường bất động sản đi lên.
Bên cạnh đó, nhu cầu nhà ở tại thị trường đang rất lớn, đặc biệt ở khu vực Hà Nội và TP.HCM. Cùng với mục tiêu đô thị hóa của Chính phủ, nhiều biện pháp thúc đẩy, chính sách… sẽ được ban hành, từ đó mở ra thêm nhiều cơ hội mới cho thị trường.
Ở phân khúc khu công nghiệp, dư địa của bất động sản khu công nghiệp cũng đang rất lớn, khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này.
Tiếp đến là vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đang có dấu hiệu tăng trưởng mạnh. Trong 3 tháng đầu năm 2024, vốn FDI đầu tư vào bất động sản đạt 1,6 tỷ USD, tương đương 25% tổng vốn FDI vào Việt Nam, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản trong nước đang có thêm nhiều "người chơi" lớn và việc thu hút nguồn đầu tư nước ngoài sẽ là yếu tố quan trọng có thể cứu vãn thị trường bất động sản trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
Chưa dừng lại ở đó, với việc Việt Nam nằm trong top đầu châu Á về phát triển cơ sở hạ tầng với hàng loạt dự án quan trọng như đường sắt, sân bay… các dự án khu đô thị sẽ được "lót đường" để phát triển mạnh mẽ hơn", ông Thành nhận định.