Trong buổi đối thoại chiều 18/9, một số cổ đông đặt câu hỏi về tình hình nợ xấu và trích lập dự phòng của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD). Trả lời vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bolat Duisenov nói nguyên tắc của doanh nghiệp này là khi thấy nợ khó thu hồi, chắc chắn phải trích lập khoản dự phòng. Nhưng nhìn chung vấn đề này không ảnh hưởng lớn nếu so với sức khỏe tài chính của công ty.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV niên độ 2024 (tức quý II theo thực tế), CTD xác định có gần 2.243 tỷ đồng nợ xấu, tăng khoảng 669 tỷ. Phần lớn trong số này đến từ Công ty Ngôi Sao Việt (thuộc Tân Hoàng Minh), Công ty Saigon Glory (chủ đầu tư siêu dự án đối diện chợ Bến Thành) và Công ty Minh Việt (chủ đầu tư Tricon Towers). Hiện công ty trích lập dự phòng hơn 60% các khoản nợ xấu kể trên. Nếu tính cả các khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi, họ đang trích lập hơn 1.432 tỷ đồng, tăng khoảng 275 tỷ so với niên độ trước.
Tuy nhiên, trong bảng cân đối kế toán, nhà thầu lớn nhất cả nước đang có hơn 2.210 tỷ đồng tiền mặt, tăng hơn 17% so với cùng kỳ. Lũy kế niên độ 2024, họ đạt doanh thu 21.045 tỷ đồng, tăng 31% so với năm tài chính 2023. Doanh nghiệp này có hơn 299 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 4,4 lần cùng kỳ, vượt 4% so với kế hoạch đề ra.
Nói thêm về vấn đề này, ông Bolat cho rằng nợ xấu là bệnh đau đầu chung cho cả ngành xây dựng thời gian qua. Tuy nhiên, Coteccons có quy trình nội bộ để xử lý khi sở hữu những bộ phận chuyên trách quản lý và phân tích rủi ro, quản lý nợ xấu, quản lý các nguồn vốn ra - vào công ty, có kiểm toán độc lập thuộc "Big 4" và có bên thứ ba chuyên rà soát và đánh giá. Lãnh đạo doanh nghiệp này khẳng định họ có quy trình chỉn chu cho vấn đề nợ xấu, đảm bảo chắc chắn cho sự phát triển bền vững thay vì cái lợi trước mắt.
"Trích lập dự phòng không phải là điều tệ hại hay quá tiêu cực, không có nghĩa là khoản đó sẽ đi vào quên lãng và không đòi được, mà công ty sẽ có đội ngũ chuyên trách theo dõi sát sao, hối thúc chủ đầu tư thanh toán. Cá nhân tôi tự tin Coteccons sẽ sớm nhận lại phần lớn số tiền trên", ông Bolat khẳng định.
Giám đốc điều hành Trần Ngọc Hải cho biết thêm, năm tài chính 2024, công ty đã trích lập dự phòng nợ xấu khoảng 275 tỷ đồng và đòi được 70 tỷ. Điều này càng chứng tỏ các khoản này lập ra không phải xác định mất trắng mà công ty sẽ theo dõi sát sao. Coteccons tự tin sớm thu hồi khi chủ đầu tư và thị trường khôi phục trở lại. Trước mắt ông tiết lộ kế hoạch trích lập dự phòng nợ xấu cho năm tài chính 2025 sẽ nhỏ hơn nhiều so với trước đó.
Cùng với việc cải thiện tình trạng nợ tồn đọng, lãnh đạo Coteccons cho biết kết quả kinh doanh thời gian tới cải thiện rõ hơn. Lượng backlog (đơn đặt hàng tồn đọng) cho những năm sau có giá trị lên tới khoảng 30.000 tỷ đồng, riêng năm 2025 là hơn 22.000 tỷ đồng.
Cơ cấu doanh thu cũng có sự chuyển dịch khi mảng công nghiệp (phần lớn là các dự án có vốn FDI) chiếm tỷ lệ lớn 50%, dân dụng khoảng 45% và du lịch nghỉ dưỡng khoảng 5%. Ban lãnh đạo cho rằng khi nguồn thu đa dạng, công ty có thể tăng trưởng ổn định hơn và thực tế thời gian qua, thị trường trong nước chưa phục hồi, họ vẫn có sự bù đắp từ khách hàng nước ngoài, xây dựng mảng công nghiệp.
Không chỉ ngân hàng mới đối diện nợ xấu, các doanh nghiệp cũng phát sinh các khoản phải thu từ đối tác hay khách hàng trong kinh doanh. Đây là khoản nợ doanh nghiệp cho nhau vay, còn gọi là tín dụng thương mại. Nhưng thay vì tiền mặt, họ vay hàng hóa hoặc dịch vụ và thường không chịu lãi suất.
Thời gian qua, tình trạng trạng nợ khó đòi là nỗi ám ảnh chung của ngành xây dựng khi thị trường bất động sản "đóng băng", các chủ đầu tư mất thanh khoản nên chây ì thanh toán cho các nhà thầu. Tính đến cuối tháng 6, Xây dựng Hòa Bình phải trích lập khoảng 1.990 tỷ đồng cho các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi. Con số trên với Vinaconex là 544 tỷ đồng, Ricons khoảng 140 tỷ và nhiều nhà thầu xây dựng khác cũng ghi nhận tình trạng nợ tồn đọng dai dẳng.
Tuy nhiên, doanh nghiệp đều tin rằng các khoản tiền trên sẽ có thể thu hồi khi thị trường địa ốc ấm lên và đầu tư công được đẩy mạnh.