Tại sự kiện đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì ngày 21/10, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết trong 17 năm kể từ khi thành lập SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 1.079 doanh nghiệp, gồm 24 tổng công ty và tập đoàn, với tổng giá trị vốn Nhà nước gần 30.800 tỷ đồng, giải ngân đầu tư đạt 37.651 tỷ đồng, nguồn tin từ Báo Chính phủ.
Trong các năm qua, SCIC cũng đã tổ chức bán vốn tại 1.040 doanh nghiệp và bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp với tổng giá vốn 12.410 tỷ đồng, thu về 51.062 tỷ đồng, kết quả thu được gấp 4,1 lần giá vốn.
So với thời điểm thành lập, doanh thu của SCIC tăng gấp 49,8 lần, lợi nhuận sau thuế tăng gấp 77,3 lần, vốn chủ sở hữu tăng gấp 16,2 lần, tổng tài sản tăng gấp 11,7 lần, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân đạt 13,1%. Ngân sách nhà nước mà SCIC đóng góp tăng trưởng bình quân 64,2%/năm.
6 tháng đầu năm 2022, SCIC thu về hơn 5.008 tỷ đồng doanh thu, tăng 31% so với cùng kỳ , trong đó khoảng 74% là nguồn thu từ cổ tức là lợi nhuận được chia, còn lại đến từ bán các khoản đầu tư (722 tỷ) và lãi tiền gửi, lãi trái phiếu (544 tỷ đồng). Do không còn khoản hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư và lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết âm hơn 1.613 tỷ đồng nên lợi nhuận sau thuế của SCIC giảm 69% còn 1.773 tỷ đồng.
Tổng tài sản của tổng công ty tính đến cuối tháng 6/2022 xấp xỉ 60.255 tỷ đồng, giảm hơn 3.200 tỷ so với đầu năm. Trong đó, tập trung phần lớn vào đầu tư tài chính ngắn hạn là hơn 42.904 tỷ đồng gồm tiền gửi ngân hàng và đầu tư vào cổ phiếu (niêm yết và chưa niêm yết).
Về cơ cấu nguồn vốn của SCIC, vốn chủ sở hữu tại cuối kỳ là 59.367 tỷ đồng, trong đó vốn góp chủ sở hữu là 48.786 tỷ (chiếm 82%) và 10.557 tỷ đồng cho quỹ đầu tư phát triển.
SCIC cho biết sẽ sớm hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển tổng công ty giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2035, để có căn cứ pháp lý đẩy mạnh triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh vốn.