Bất động sản

Sau sáp nhập, đây là TP trực thuộc trung ương nhỏ nhất Việt Nam nhưng giàu top đầu cả nước

Tóm tắt:
  • TP Hải Phòng có vị trí địa lý thuận lợi, là thành phố cảng quan trọng và trung tâm kinh tế, văn hóa.
  • Sau sáp nhập, TP Hải Phòng có diện tích khoảng 3.194,8 km², trở thành thành phố trực thuộc trung ương nhỏ nhất.
  • Năm 2024, GRDP của Hải Phòng ước đạt 445.995 tỷ đồng, đứng thứ 5 cả nước với tốc độ tăng trưởng 11%.
  • Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 ước đạt 33,25 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2023.
  • Hải Dương, tỉnh sẽ nhập vào Hải Phòng, có quy mô kinh tế 212.386 tỷ đồng, đứng thứ 11 cả nước.

TP Hải Phòng hiện tại.

Tại Nghị quyết 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa 13, Trung ương đã đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương).

Trong đó, 6 thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thành phố Hà Nội; Thành phố Hải Phòng (hợp nhất TP Hải Phòng, tỉnh Hải Dương); Thành phố Huế; Thành phố Đà Nẵng (hợp nhất TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam); Thành phố Hồ Chí Minh (hợp nhất Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); Thành phố Cần Thơ (hợp nhất Thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang).

Trong đó, TP Hải Phòng (mới) có diện tích khoảng 3.194,8km2. Đây sẽ là thành phố trực thuộc trung ương nhỏ nhất trong 6 thành phố ở trên.

Tiềm năng kinh tế của TP Hải Phòng mới

Theo TTXVN, TP Hải Phòng (hiện tại) là một thành phố cảng quan trọng, trung tâm công nghiệp, cảng biển, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại và công nghệ thuộc Vùng duyên hải Bắc Bộ.

Hải Phòng cách thủ đô Hà Nội 102km, vị trí giao lưu thuận lợi với các tỉnh trong nước và quốc tế thông qua hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường sông và đường hàng không.

Hải Phòng có vị trí quan trọng và chiến lược của quốc gia về kinh tế, xã hội, công nghệ thông tin và an ninh, quốc phòng của vùng Bắc Bộ và cả nước, trên hai hành lang - một vành đai hợp tác kinh tế Việt Nam-Trung Quốc.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng là thành phố cảng lớn trong khu vực và thế giới, thành phố hàng hải toàn cầu với ba trụ cột phát triển chính: dịch vụ cảng biển; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế; có trình độ phát triển cao, môi trường sống tốt, thân thiện với tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu, ngang tầm với các thành phố cảng hàng đầu Châu Á và thế giới.

Năm 2024, theo số liệu của Cục Thống kê, quy mô GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của TP Hải Phòng năm 2024 là 445.995 tỷ đồng, đứng thứ 5 trong top những địa phương có quy mô GRDP cao nhất cả nước.

Tốc độ tăng GRDP năm 2024 của Hải Phòng ước đạt 11%, là địa phương có năm thứ 10 liên tiếp đạt tăng trưởng ở mức 2 con số. Tốc độ tăng trưởng này thể hiện sự phát triển bền vững của thành phố và vai trò động lực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng dự kiến đạt 13,8%, cao hơn mục tiêu (13,3-13,75%) cho thấy ngành công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển ổn định, giữa vai trò động lực chính trong nền kinh tế.

Tỉnh Hải Dương dự kiến sẽ nhập vào TP Hải Phòng.

Năm 2024, xuất nhập khẩu là một trong những điểm sáng của Hải Phòng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 33,25 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2023 và đạt 100,77% kế hoạch năm; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 25,75 tỷ đô la Mỹ, tăng 4,6% so với năm 2023.

Tổng mức đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2024 của Hải Phòng ước đạt 4,7 tỷ USD, tăng 235% so với kế hoạch.

Cũng năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hải Phòng ước đạt hơn 109.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch, đạt 111,8% dự toán Trung ương giao. Trong đó, thu nội địa ước đạt 48.255,3 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 60.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, tỉnh Hải Dương có vị trí địa lý quan trọng nằm ở trung tâm Ðồng bằng Bắc Bộ, thuộc vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc, trong không gian phát triển vùng Thủ đô Hà Nội. Hải Dương từng có thời là một trong "tứ trấn" bảo vệ kinh thành Thăng Long.

Trung tâm hành chính của tỉnh là TP Hải Dương, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 57km về phía Tây, cách trung tâm TP Hải Phòng khoảng 45km về phía Đông.

Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1639/QĐ-TTg.

Trong đó, tỉnh được chấp thuận phương án phát triển các khu công nghiệp đến năm 2030 gồm 32 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 5.661 ha.  Đến nay, tỉnh Hải Dương đã thành lập được 17 khu công nghiệp, với tổng diện tích theo quy hoạch chi tiết khoảng 2.738 ha.

Năm 2024, tăng trưởng kinh tế tỉnh Hải Dương ước đạt 10,2%; cao thứ 6/63 cả nước và thứ 3/11 vùng Đồng bằng sông Hồng (sau Hải Phòng 11,01%; Hà Nam 10,93%). Tổng thu ngân sách nhà nước đến ngày 31/12/2024 ước đạt 30.774 tỷ đồng; bằng 138,0% so với năm trước.

Quy mô kinh tế của tỉnh Hải Dương ước đạt 212.386 tỷ đồng, tiếp tục đứng thứ 11 cả nước. GRDP bình quân đầu người của tỉnh ước đạt 107,4 triệu đồng/người (tương ứng 4.456 USD/người); đứng thứ 8/11 vùng Đồng bằng sông Hồng.

Công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là điểm sáng khi có tăng trưởng của ngành này ước đạt 14,17% (tăng cao hơn tốc độ của 2023 là 5,47%), đóng góp 5,88 điểm % tăng GRDP chung, trong đó ngành sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngành chế biến chế tạo duy trì tăng trưởng cao, ổn định trong cả năm 2024 đã đóng góp khoảng 1,07 điểm% tăng GRDP.

Theo thống kê của VnExpress, sau sáp nhập, Hải Phòng đứng thứ 3 cả nước về quy mô kinh tế, sau TP HCM và Hà Nội.

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (20/4), cả vàng SJC và vàng nhẫn đều giảm mạnh, bằng giá nhau ở mốc 114 triệu đồng/lượng. Hiện, giá vàng, trong nước vẫn cao hơn thế giới hơn 9 triệu đồng/lượng.