Doanh nghiệp

Sầu riêng của bầu Đức có thêm đối thủ mới

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 3 tỷ USD sau 10 tháng, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp sự sụt giảm đáng kể trong tháng 10. Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực chiếm tỷ trọng hơn 90%. 

Không chỉ đem về doanh số cao mà sầu riêng cũng là sản phẩm kinh doanh mang lại lợi nhuận khủng cho nhiều doanh nghiệp. Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Đoàn Nguyên Đức từng tiết lộ sản phẩm sinh lời vượt trội lên đến "1 vốn 5 lời".

HAGL là doanh nghiệp hàng đầu sở hữu vườn sầu riêng khoảng 1.500 ha tại Việt Nam và Lào, trong đó có nông trại Bolaven diện tích 1.200 ha được xem là vườn sầu riêng lớn nhất thế giới. Tập đoàn bắt đầu thu hoạch lượng nhỏ từ nửa sau năm 2023 và cao điểm từ 2024 với diện tích cho trái khoảng 300-400ha. 

Bầu Đức chia sẻ chi phí sản xuất của tập đoàn chỉ khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg, mở ra tiềm năng lợi nhuận lớn, nhất là khi vườn sầu riêng của doanh nghiệp sắp bước vào giai đoạn đủ tuổi thu hoạch trên diện tích rộng hơn. 

Với mức sinh lời cao, không ít doanh nghiệp khác đang nhảy vào mảng kinh doanh hấp dẫn này. Mới nhất là BIG Invest Group (Mã: BIG) tuyên bố tham gia sâu vào hoạt động kinh doanh nông sản (xuất khẩu, phát triển vùng trồng và hậu cần).

Trước mắt, công ty sẽ triển khai xuất khẩu sầu riêng thông qua hợp tác chiến lược với Nông sản Hưng Nguyên - một doanh nghiệp chuyên thu mua và xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc có tuổi đời 13 năm.

Đơn vị này hiện có 4 kho chứa (Long An, Tiền Giang, Bình Thuận và Đắk Lắk) với quy mô gần 60.000 m2. Ông Đặng Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Hưng Nguyên cho biết trong mỗi vụ sầu riêng, công ty xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 1.000 tấn với doanh thu trên dưới 2.500 tỷ đồng. 

Đến ngày 22/11, công ty tiếp tục ký kết với ba đối tác lâu năm về xuất nhập khẩu sầu riêng tươi và sầu riêng đông lạnh gồm CTCP Đầu tư thương mại quốc tế Phạm Lê, Công ty TMDV XNK PCL, Công ty TNHH Minione. 

BIG kỳ vọng lập kỷ lục doanh thu nhờ đóng góp của mảng mới phân phối sầu riêng. Nguồn: HL tổng hợp. 

Lãnh đạo BIG nói hoạt động thương mại với các đối tác xuất khẩu sầu riêng có thể mang về doanh thu lớn và tỷ suất lợi nhuận cao hơn nhiều các hoạt động truyền thống (cho thuê văn phòng). Công ty hỗ trợ tài chính để thu muacung cấp các dịch vụ hậu cần khác. 

Chủ tịch HĐQT Võ Phi Nhật Huy ước tính doanh thu năm nay có thể đạt 350 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm 258 tỷ, Trong đó mảng thương mại xuất nhập khẩu nông sản dự kiến đem về 40% nguồn thu chỉ trong năm đầu tiên xuất hiện. 

Ông Huy đánh giá sầu riêng là trái cây vua được thị trường 1,4 tỷ dân Trung Quốc ưa chuộng và lượng mua tăng đều hằng năm. Việt Nam được xuất khẩu chính khẩu chính ngạch sầu riêng tươi vào thị trường này từ năm 2021 và sầu riêng đông lạnh dự kiến từ cuối năm 2024.

Một doanh nghiệp khác trên sàn cũng đang phát triển ngành hàng sầu riêng là Đầu tư Cao su Đắk Lắk (Mã: DRI). Công ty đã phát sinh nguồn thu từ loại sản phẩm này từ cuối năm 2023 đến nay. 

Theo báo cáo kinh doanh 10 tháng đầu năm, công ty tại Đắk Lắk thu hoạch và xuất bán hơn 423 tấn. Giá bình quân 49.149 đồng/kg, qua đó thu về gần 21 tỷ đồng, thực hiện 139% kế hoạch trong năm nay. 

DRI ngoài lĩnh vực chính là cao su còn có đầu tư vào mảng nông nghiệp công nghệ cao. Công ty thành viên đang sở hữu diện tích hơn 131 ha; trong đó bao gồm hơn 69 ha sầu riêng trồng từ năm 2018 và hơn 62 ha diện tích chuối trồng xen canh từ 2020 đến nay.  

Công ty Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HAG) từng thông báo về kế hoạch đầu tư sản xuất trồng trọt cây ăn trái kết hợp chăn nuôi bò quy mô lớn tại tỉnh Attapeu và tỉnh Sekong, Lào.  

Doanh nghiệp dự kiến rót 18.000 tỷ trồng để chuối, sầu riêng, nuôi bò tại nước láng giềng trên tổng diện tích gần 27.400 ha. Thời gian hoàn thiện đầu tư dự án là từ năm 2024 đến 2028. 

HAGL Agrico ước tính sản lượng trái cây tươi xuất khẩu khoảng 624.000 tấn/năm. Trong đó chuối khoảng 500.000 tấn/năm, dứa 80.000 tấn/năm, xoài 18.500 tấn/năm, bưởi 16.000 tấn/năm và sầu riêng 9.500 tấn/năm.   

Theo bầu Đức, thị trường sầu riêng Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia mà chủ yếu là các hộ kinh doanh. HAGL theo đó có lợi thế lớn nhất với 1.200 ha tập trung, cộng với điều kiện về giống và thổ nhưỡng để có chất lượng đồng đều và cả trái vụ. 

Ông đánh giá thêm hiện có HAGL Agrico là doanh nghiệp có quỹ đất đủ lớn hàng nghìn ha và điều kiện thổ nhưỡng phù hợp để trồng cây sầu riêng, có thể trở thành tay chơi lớn trong thị trường cây ăn trái này.  

Năm 2024, ngành hàng sầu riêng dự kiến đạt khoảng 3,2 tỷ USD, tiếp tục là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của nông nghiệp nước nhà. Với diện tích trồng hiện tại khoảng 154.000 ha và sản lượng gần 1,2 triệu tấn, sầu riêng Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, nhưng cần có chiến lược dài hạn trong việc nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường xuất khẩu.   

Các chuyên gia cho rằng ngành sầu riêng không chỉ cần đối phó với biến đổi khí hậu mà còn phải giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Việc phát triển các thị trường mới như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ giúp ngành đạt được sự ổn định và tăng trưởng lâu dài. 

Giá sầu riêng hiện tại đã tăng gấp đôi so với hai tháng trước. Sầu Thái loại đẹp hiện đã chạm mốc 180.000 đồng/kg, so với bình quân 90.000 đồng hồi tháng 9, tương tự Ri 6 loại A tăng vọt từ khoảng 60.000 đồng lên trên 140.000 đồng/kg, giá sầu riêng Monthong cũng tăng từ 70.000 đồng lên 130.000 đồng/kg.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm