Chính phủ Nhật Bản đã đặt ra mục tiêu giảm lãng phí thực phẩm trong năm 2030 xuống còn một nửa so với năm 2000.
Để làm được điều này, Nhật Bản đã thực hiện Hệ thống Luật tái chế, đáng chú ý là Luật về tái chế chất thải thực phẩm có hiệu lực từ tháng 5/2001. Luật này chủ yếu điều chỉnh nhằm vào các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, các siêu thị, nhà hàng, các quán ăn… với các điều luật và hình phạt nếu có hành vi lãnh phí thực phẩm.
Từ luật tái chế trên, Nhật Bản đã áp dụng sáng kiến "vòng tái chế thực phẩm", được xem là niềm tự hào đối với thế giới. Vòng tái chế này là chu trình khép kín giữa 3 nhà: Thứ nhất là nông dân, trang trại - Thứ 2 là nhà hàng, siêu thị, cơ sở chế biến thực phẩm - Thứ 3 là nhà sản xuất phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi và xử lý rác thải thực phẩm, nông nghiệp. Như vậy nếu đồ ăn trong siêu thị dư thừa chúng sẽ được chuyển đến nhà sản xuất phân bón hữu cơ và thức ăn chăn nuôi…
Hiện nay, chống lãng phí thực phẩm đã trở thành một chính sách quan trọng được một số quốc gia triển khai mạnh mẽ và quyết liệt. Trung Quốc cũng là một ví dụ điển hình.
Ngày 25/11 vừa qua, Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng Quốc vụ Viện Trung Quốc đã công bố "Chương trình hành động tiết kiệm lương thực và chống lãng phí thực phẩm". Chống lãng phí thực phẩm sẽ bao gồm nhiều biện pháp toàn diện, kể cả trên không gian mạng, nơi mà các trào lưu khoe khoang lối sống ăn uống xa hoa lãng phí bùng bổ những năm gần đây.