Chứng khoán

Sau dầu, thép, than... cổ phiếu công nghệ sẽ có nhiều cơ hội?

Bên cạnh những nhóm cổ phiếu hưởng lợi mà nhà đầu tư dễ nhận ra khi giá nguyên liệu tăng cao, thiếu hụt nguồn cung…, cổ phiếu FPT và các cổ phiếu công nghệ khác như Viettel Global), CT-IN (ICT)...cũng âm thầm tăng lên sau khi xung đột Nga và Ukraina diễn ra.

Trong đó, từ ngày 24/1 đến 9/3, cổ phiếu FPT liên tục tăng 12% từ 85.300 đồng lên 95.500 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, cùng thời gian, chỉ số VN-Index chỉ tăng nhẹ 1,4% lên 1.473,74 điểm.


Sau dầu, thép, than... cổ phiếu công nghệ sẽ có nhiều cơ hội? - Ảnh 1.

Được biết, trên thị trường nhà đầu tư thường phân loại thành 3 nhóm cổ phiếu bao gồm nhóm dẫn sóng, nhóm thế vai và nhóm đội sổ. Trong đó, nhóm dẫn sóng thường có đặc điểm trong sóng tăng thường tạo đáy trước thị trường, khi thị trường điều chỉnh giảm, cổ phiếu dẫn sóng sẽ chỉnh nhẹ hơn so với chỉ số chung hoặc tiếp tục xu hướng tăng. Ngược lại, cổ phiếu đội sổ thường không tăng khi thị trường tăng.

Chính vì vậy, những giai đoạn rung lắc, biến động của thị trường là cơ hội cho nhà đầu tư có thể lựa chọn, đánh giá lại danh mục để có thể tìm kiếm cổ phiếu dẫn sóng. Nếu xét theo tiêu chí dẫn sóng, cổ phiếu FPT đang hội tụ đủ điều kiện tạo đáy trước thị trường, bật tăng mạnh khi thị trường rung lắc và quan trọng hơn khối lượng khớp lệnh trong những phiên gần đây đang gia tăng đột biến hơn 100% so với trung bình 20 phiên gần nhất, điều đó cho thấy dòng tiền đang đổ vào cổ phiếu FPT.

CNTT hưởng lợi khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina

Trong 2 năm trở lại đây, ngành CNTT đã cho thấy dấu hiệu tăng trưởng mạnh khi các doanh nghiệp đẩy mạnh áp dụng và sử dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh khi việc đi lại, giao thương xuyên biên giới bị gián đoạn vì đại dịch.

Hiện tại, việc Nga thực hiện chiến lược quân sự đặc biệt tại Ukraina đã dẫn tới khủng hoảng chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu từ dầu, khí, thép, phân bón đến các lương thực như lúa mì, gạo… đồng loạt tăng kỷ lục. Áp lực chi phí đẩy tăng cao đang là thách thức của các doanh nghiệp toàn cầu, điều này buộc các doanh nghiệp phải tiếp tục đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong sản xuất, vận hành để tiết giảm chi phí và tăng hiệu quả nhằm giữ sức mua của người tiêu dùng cuối cùng. Theo đó, nhu cầu với CNTT cũng gia tăng, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp ngành này.

Mới đây, Morgan Stanley đã nâng triển vọng ngành Dịch vụ CNTT từ phù hợp lên hấp dẫn để đầu tư. Morgan Stanley nhận định rằng các công ty Dịch vụ CNTT là những đối tượng hưởng lợi từ các ưu tiên chuyển đổi số, đặc biệt là những công ty có: 1) lợi thế cạnh tranh trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân tài, đặc biệt là do tình trạng thiếu kỹ năng công nghệ phổ biến; 2) các khả năng hướng tới hỗ trợ môi trường kỹ thuật số và đám mây; và 3) các chiến lược mua lại có kỷ luật cho phép các công ty Dịch vụ CNTT luôn đi đầu trong các công nghệ mới nổi.

Xét về dài hạn, Gartner dự phóng, nhu cầu chuyển đổi số (DX) toàn thế giới sẽ đạt 2,39 nghìn tỷ USD vào năm 2024 so với mức dưới 1 nghìn tỷ USD năm 2017, đồng nghĩa với mức tăng trưởng kép 13,9%/năm. Trong nước, theo cập nhập cuối tháng 12/2021 của Bộ TT&TT, quy mô thị trường nội địa của dịch vụ CNTT có thể đạt khoảng 25-30 tỷ USD năm 2025, với tốc độ CAGR dao động khoảng 20-30%/năm.

Nhìn chung, các dự báo đều kỳ vọng ngành CNTT tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 2 con số tới năm 2025, điều này tiếp tục mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành tập dụng. Tại Việt Nam, khi nói tới CNTT, nhà đầu tư thường nghĩ ngay tới FPT, một doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực CNTT khi sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh. Chính vì vậy, một số nhà đầu tư đang mua mạnh cổ phiếu FPT với kỳ vọng công ty sẽ hưởng lợi nhu cầu áp dụng CNTT tăng cao.

Các CTCK cũng liên tục đưa ra dự phóng mức giá mục tiêu mới với FPT, phù hợp với bối cảnh mới của thị trường, cũng như nội tại doanh nghiệp. Trong đó, CTCK Bảo Việt (BVSC) cập nhật giá kỳ vọng với FPT là 125.000 đồng/cổ phiếu, với đánh giá Công ty đang nắm bắt cơ hội vàng trong kỷ nguyên chuyển đổi số.

Cụ thể, BVSC dự phóng , năm 2022, doanh thu của FPT sẽ tăng 23% lên 43.805 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng 27% lên 5.487 tỷ đồng và EPS ước tính đạt 5.562 đồng/cổ phiếu.

Sau dầu, thép, than... cổ phiếu công nghệ sẽ có nhiều cơ hội? - Ảnh 2.

Tương tự, CTCK Bản Việt (VCSC) đặt giá mục tiêu FPT ở mức 116.900 đồng/cổ phiếu, thể hiện quan điểm tích cực về triển vọng kinh doanh của FPT.

Bên cạnh đó, một điểm thu hút nhà đầu tư là hoạt động kinh doanh chính của FPT liên tục tạo dòng tiền dương đủ để phục vụ việc mở rộng đầu tư, chính vì vậy tính tới cuối năm 2021, công ty đã tích luỹ được 26.149 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính, tăng thêm 16.654 tỷ đồng so với năm 2018, chiếm tới 49% tổng tài sản và là một trong số ít doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt lớn nhất trên sàn hiện nay. Vị thế tiền mặt này giúp Công ty vượt qua các giai đoạn đầy biến động như đại dịch diễn ra trên toàn cầu, hay xung đột địa chính trị, đồng thời sẵn sàng cho các hoạt động M&A tiềm năng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm