Sáng 23.4, ông Hà Sỹ Đồng, quyền chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức họp phiên toàn thể, để thảo luận dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã. Một trong những nội dung quan trọng là việc lựa chọn trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh mới hình thành sau sáp nhập Quảng Trị và Quảng Bình.

Một góc TP.Đồng Hới hiện nay
ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Theo dự thảo, TP.Đồng Hới (Quảng Bình) được đề xuất là trung tâm hành chính tạm thời do có sẵn hạ tầng, thuận lợi cho bộ máy hành chính mới có thể đi vào hoạt động ngay. Trước mắt sẽ bố trí hai cơ sở hành chính tại hai tỉnh và nghiên cứu duy trì một số bộ phận làm việc tại trụ sở cũ dưới hình thức chi nhánh; đồng thời đề xuất nghiên cứu trung tâm mới tại khu vực giữa H.Vĩnh Linh (Quảng Trị) và H.Lệ Thủy (Quảng Bình) để đảm bảo phát triển cân bằng, lâu dài.
Ông Đồng nhấn mạnh, việc bố trí trung tâm cần đặt mục tiêu "gần dân", tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính. Ông cũng đề xuất nghiên cứu trung tâm hành chính mới ở vị trí chiến lược giữa hai địa phương.
Dự thảo cũng nêu rõ, Đồng Hới có nhiều lợi thế như: dân số hơn 155.000 người, hạ tầng giao thông phát triển gồm: sân bay đang nâng cấp thành quốc tế, QL1, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc - Nam và cao tốc Bắc - Nam. Thành phố này cũng từng là trung tâm hành chính trong quá khứ.
Tuy nhiên, việc chọn một địa phương làm trung tâm sẽ tạo áp lực lên hạ tầng, dịch vụ, nhà ở công vụ, trong khi địa phương còn lại có thể dẫn đến lãng phí trụ sở. Dự thảo đề xuất duy trì một số cơ quan dưới dạng chi nhánh để phân tán hợp lý bộ máy, giảm chi phí và đảm bảo ổn định đời sống cán bộ.
Về lâu dài, đề án kiến nghị Trung ương cho phép nghiên cứu xây dựng trung tâm hành chính mới khi đủ điều kiện. Tỉnh mới sau sáp nhập sẽ có diện tích khoảng 12.700 km², dân số khoảng 1,8 triệu người, với 78 đơn vị hành chính cấp xã.
Sở Nội vụ Quảng Bình ngày 23.4 cho biết, theo tổng hợp kết quả, tỉnh Quảng Bình có 98,4% cử tri đại diện hộ gia đình tham gia việc lấy ý kiến nhân dân về đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh, cấp xã.
Trong đó, đối với đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh: 145/145 ĐVHC cấp xã có tỷ lệ cử tri đồng ý từ 78% trở lên, trong đó 139 ĐVHC có tỷ lệ cử tri đồng ý từ 90% trở lên; tỷ lệ cử tri đồng ý với đề án sắp xếp đạt 97,9%.
Đối với đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã: 143/145 ĐVHC cấp xã có tỷ lệ cử tri đồng ý từ 50% trở lên, trong đó 132 ĐVHC có tỷ lệ cử tri đồng ý từ 90% trở lên.