Xã hội

Sáp nhập Long An, Tây Ninh: Kỷ nguyên mới cho phát triển toàn diện

Tóm tắt:
  • Tỉnh Tây Ninh mới được thành lập từ sáp nhập Long An và Tây Ninh, có nhiều công trình nổi bật.
  • Việc sáp nhập mở ra thời cơ phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường liên kết vùng.
  • Long An với trên 40 khu công nghiệp và Tây Ninh có tiềm năng du lịch đặc sắc.
  • Hệ thống giao thông cải thiện giúp kết nối sản xuất và tăng trưởng thương mại cho cả hai tỉnh.
  • Tỉnh mới có diện tích 8.536,5 km2, dân số hơn 3,3 triệu người, với nhiều xã biên giới.

Thời cơ thuận lợi phát triển công nghiệp và du lịch

Việc sáp nhập 2 tỉnh Tây Ninh và Long An thành tỉnh Tây Ninh mới, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP.Tân An (Long An), không chỉ đơn thuần là sự thay đổi về địa giới hành chính, mà còn là bước đi chiến lược, mở ra một kỷ nguyên mới cho phát triển kinh tế - xã hội toàn diện vùng biên giới phía nam, vùng đệm giữa khu vực miền Tây và Đông trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Sáp nhập Long An, Tây Ninh: Nơi có nhiều công trình hàng đầu thế giới- Ảnh 1.

Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn bằng đồng trên đỉnh núi cao nhất châu Á tại tỉnh Tây Ninh

ẢNH: THANH QUÂN

Trong lịch sử hình thành, cả Long An và Tây Ninh từng là một phần của phủ Gia Định. Sự tương đồng về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, cơ cấu kinh tế và định hướng phát triển khiến việc sáp nhập trở thành lựa chọn hợp lý, tạo nên một không gian phát triển mới, liên hoàn, thúc đẩy liên kết vùng và nâng cao sức cạnh tranh.

Long An giữ vai trò là vùng đệm giữa miền Tây và miền Đông, là cửa ngõ trực tiếp kết nối giữa TP.HCM và ĐBSCL, có hạ tầng giao thông phát triển. Long An hiện có trên 40 khu - cụm công nghiệp hoạt động hiệu quả. Tỉnh này vừa mạnh về công nghiệp, vừa có thế mạnh về nông nghiệp nhờ hệ sinh thái đa dạng, đồng bằng phù sa màu mỡ.

Trong khi đó, Tây Ninh giàu tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch độc đáo với các công trình hàng đầu thế giới (Nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới; tượng Phật bà Tây Bổ Đà Sơn - Tượng Phật bà bằng đồng cao nhất châu Á tọa lạc trên đỉnh núi; Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh; hồ Dầu Tiếng (công trình thủy lợi lớn nhất Đông Nam Á); Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt căn cứ T.Ư Cục Miền Nam,…

Hệ thống sông Vàm Cỏ Đông sẽ chảy toàn bộ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh mới. Đây sẽ là thời cơ rất thuận lợi để khai thác du lịch sinh thái đặc thù, đồng thời thuận lợi điều tiết nước phục vụ đắc lực cho nền nông nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao của địa phương.

Sáp nhập Long An, Tây Ninh: Nơi có nhiều công trình hàng đầu thế giới- Ảnh 2.

Hồ Dầu Tiếng - công trình thủy lợi lớn nhất Đông Nam Á

ẢNH: THANH QUÂN

Hệ thống giao thông liên kết 2 tỉnh như các tuyến ĐT 822, 823, 825 sẽ được đầu tư nâng cấp, giúp rút ngắn khoảng cách địa lý, tăng cường lưu thông hàng hóa, kích thích đầu tư. Khi hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, các trung tâm công nghiệp tại Đức Hòa, Bến Lức (Long An) kết nối chặt chẽ với các KCN Trảng Bàng, Phước Đông (Tây Ninh), tạo thành mạng lưới sản xuất quy mô lớn, phục vụ cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Trong kỷ nguyên số, việc xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số sẽ được tăng tốc khi tận dụng được hạ tầng công nghệ thông tin hiện có của cả hai tỉnh. Việc tổ chức lại bộ máy hành chính không chỉ giúp tinh gọn, tiết kiệm ngân sách mà còn tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công nhanh chóng, minh bạch hơn.

Sau sáp nhập, những lợi thế này không chỉ cộng hưởng mà còn khuếch đại, hỗ trợ nhau trong chiến lược phát triển tổng thể.

Giao thương quốc tế trực tiếp bằng cả đường thủy và bộ

Dự kiến, sau sáp nhập, tỉnh Tây Ninh mới sẽ có diện tích 8.536,5 km2, dân số hơn 3,3 triệu người và 96 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có đến 20 xã biên giới giáp Campuchia. Đây là quy mô đủ lớn để hình thành các chiến lược phát triển vùng. Trung tâm hành chính - chính trị đặt tại TP.Tân An (Long An) - Nơi có nhiều tuyến giao thông huyết mạch và là nơi có sẵn hạ tầng tạo sự chuyển tiếp ổn định.

Sáp nhập Long An, Tây Ninh: Nơi có nhiều công trình hàng đầu thế giới- Ảnh 3.

TP.Tân An - nơi có cơ sở hạ tầng hiện đại, nhiều tuyến giao thông huyết mạch đi qua

ẢNH: B.B

Theo đó, Long An hiện có hơn 134 km đường biên giới giáp vương quốc Campuchia với 2 cửa khẩu quốc tế. Tỉnh cũng đang thu hút các nhà tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Long An (tại TX.Kiến Tường). Ngoài ra, Long An còn có sẵn Cảng quốc tế Long An nằm bên bờ sông Soài Rạp (H.Cần Giuộc) - thuận lợi trong giao thương hàng hóa quốc tế bằng đường thủy. Trong khi đó, Tây Ninh là trung tâm kinh tế cửa khẩu phía nam, với 240 km đường biên giới và 16 cửa khẩu với Campuchia, trong đó có 3 cửa khẩu quốc tế.

Việc tái cấu trúc bộ máy hành chính hiện nay còn tạo cơ hội xây dựng mô hình chính quyền số hiện đại, thích ứng linh hoạt với yêu cầu phát triển trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.

Các tin khác

Vì sao càng lớn tuổi càng lãng tai?

Ba tôi 66 tuổi, gần đây nghe kém, nghe không rõ, tình trạng ngày càng nặng. Vì sao càng lớn tuổi thì thính lực càng suy giảm, do bệnh gì? (Nam Trang, 30 tuổi, Tiền Giang).