Một tin vui cho các tín đồ nước hoa là các nhà sáng chế đang tiến hành nghiên cứu để cho ra loại nước hoa vô cùng đặc biệt có thể lưu hương suốt 2 năm. Điều này được thực hiện dựa trên các tài liệu cổ và công nghệ phân tích hóa học. Tất cả đều dựa trên nhân vật lịch sử lừng danh - vị nữ hoàng quyền lực nhất Ai Cập cổ đại Cleopatra.
"Vũ khí bí mật" của Nữ hoàng Cleopatra
Cleopatra là tên viết tắt của Nữ hoàng Cleopatra VII Philopator (tháng 1, 69 TCN – 12 tháng 8, 30 TCN). Bà là một nữ Pharaoh, hay còn biết đến là hoàng đế của Ai Cập cổ.
Năm 17 tuổi, bà lên nắm quyền cai trị Ai Cập. Suốt từ đó cho đến năm 39 (năm 30 TCN), bà để lại nhiều dấu ấn không thể nào quên. Theo nguồn gốc ghi chép thì bà là thành viên cuối cùng của nhà Ptolemaios – một gia tộc Hy Lạp cai trị Ai Cập trong suốt 300 năm.
Ảnh minh họa.
Ai cũng biết rằng, Nữ hoàng Cleopatra luôn có "vũ khí bí mật" để mê hoặc đàn ông. Bà nổi tiếng với sắc đẹp tuyệt trần, quyền lực và sự thông thái.
Theo sử sách ghi chép, bà có 2 cuộc tình nổi tiếng. Một là với Hoàng đế La Mã Julius Caesar. Hai là với vị tướng La Mã dũng mãnh Mark Antony. Cho đến tận ngày nay, nhiều người vẫn còn đặt dấu chấm hỏi rằng Cleopatra có gì mà thu phục được trái tim của hai người đàn ông quyền lực như thế?
Một trong vài lý do được các nhà sử học đưa ra là Cleopatra có tài sử dụng mùi hương. Vốn là một người thông minh nên Nữ hoàng Cleopatra tự nghĩ ra những cách rất khác biệt để khiến bản thân trở nên lôi cuốn và quyến rũ hơn.
Một trong số đó là việc sử dụng tinh dầu mùi hương. Cũng có nhiều ghi chép, bà là người đầu tiên khai sinh và sáng chế nước hoa được dùng rộng rãi đến tận ngày nay.
Khi đó, những thứ hương bà dùng chỉ đơn giản là tinh dầu của các loại hoa, gỗ và thậm chí dùng cả xạ hương. Bà biết cách điều chỉnh liều lượng, sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng.
Thông minh hơn là bà biết kết hợp để lúc nào tỏa hương thơm xung quanh mình. Thậm chí, để tăng độ quyến rũ, Cleopatra còn dùng xạ hương để bôi vào lông mày, dùng nước hoa bôi vào môi kích thích khứu giác của đàn ông.
Loại nước hoa lưu hương lâu dài mang thương hiệu Nữ hoàng Cleopatra
Mới đây, trong một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Near Eastern Archaeology (Khảo cổ học Cận Đông), các nhà sáng chế cho biết họ đang cố gắng tạo ra một hợp chất tương tự loại nước hoa từng được Nữ hoàng Cleopatra sử dụng bằng cách kết hợp các công thức từ những tài liệu lịch sử và phân tích hóa học.
Trong thế giới cổ đại, người Ai Cập vốn rất nổi tiếng với việc sản xuất mùi hương. Vào thời Cleopatra, người Ai Cập đã có tới 3.000 năm kinh nghiệm và thành thục trong việc chế tạo nước hoa.
Ngay sau khi bà qua đời, người ta lan truyền một cuốn sách ghi lại các công thức chế tạo nước hoa được cho là của Nữ hoàng. 2.000 năm sau đó, các nhà khoa học cố gắng tái tạo quy trình cũng như các thành phần tương tự như thế.
Báo cáo trên tạp chí Near Eastern Archaeology cho biết: "Cơ sở của các loại nước hoa và chất chống oxy hóa thời Ai Cập cổ là dầu thực vật hoặc mỡ động vật thay vì cồn hiện đại như chúng ta ngày nay. Mùi hương được tạo ra thông qua khói từ việc đốt nhựa thơm, vỏ cây và thảo mộ. Hoặc thông qua quá trình tẩm bằng nhựa, hoa, thảo mộc, gia vị và gỗ".
Tuy nhiên, điều gây khó khăn là ý nghĩa chính xác của các chữ tượng hình Ai Cập dùng để ghi lại những công thức này đã mất dần theo thời gian. Người ta xác định được tên của các loại dầu dùng trong những nghi lễ thời Cleopatra. Nhưng họ không chắc chắn về thành phần của chúng.
Các bản ghi chép bằng tiếng Hy Lạp và La Mã dễ dịch hơn, nhưng độ tin cậy lại thấp hơn vì tác giả thường không phải "người trong giới", không tự tay sản xuất nước hoa.
Gần đây, việc khám phá ra địa điểm có vẻ như là nhà máy sản xuất nước hoa tại Thmouis đã mang lại những cơ hội mới.
Thmouis là vùng mở rộng của Mendes, nơi có nước hoa nổi tiếng khắp Địa Trung Hải. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều lọ nước hoa bằng gốm tại đây. Giới chuyên gia cho rằng chúng phục vụ cho mục đích thương mại, xuất khẩu ra nước ngoài, chứ không phải bán trong nước.
Các nhà khoa học đã sử dụng huỳnh quang tia X để phân tích những phân tử trong các lọ, bao gồm cả phù sa sông Nile dùng để chế tạo lọ và cặn của các chất đựng bên trong.
Kết hợp các văn bản lịch sử với phân tích hóa học hiện đại, tiến sĩ Dora Goldsmith tại Đại học Frele Berlin và tiến sĩ Sean Coughlin tại Đại học Humboldt Berlin thử nghiệm một loạt chất tiềm năng với hy vọng tìm ra mùi nước hoa của Cleopatra.
Sử dụng nhiều loại nguyên liệu và phương pháp chế biến, tiến sĩ Dora và Sean cho biết kết quả: "Chúng tôi đã tạo ra một mùi hương cực kỳ dễ chịu, với mùi cay nồng của mộc dược nghiền, quế, đi kèm với hương thơm ngọt ngào".
Đặc biệt hơn, mùi hương hấp dẫn có thể duy trì trong suốt 2 năm, phù hợp với các báo cáo rằng nước hoa Ai Cập vẫn giữ được chất lượng khi vận chuyển.
Mặc dù loại nước hoa chính xác của Cleopatra có thể sẽ không bao giờ được xác nhận, nhưng các du khách tham quan triển lãm Queens of Egypt của Bảo tàng Địa lý Quốc gia vào năm 2019 đã có cơ hội ngửi một thứ gần đúng như nước hoa của bà. Khi ấy, các nhà chế tạo gọi nó là Eau de Cleopatra.
Không chỉ tỏa hương thơm, hỗn hợp được nghiên cứu lần này cũng chứa các chất chống nấm và kháng khuẩn giúp ngăn các mùi khó chịu và cho phép mùi hương mong muốn tỏa ra.
Nguồn: IFLScience