Trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Bộ LĐ-TB-XH đề xuất sửa quy định trợ cấp BHXH một lần theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận một lần.
Ngoài phương án giữ như quy định hiện hành, cơ quan soạn thảo còn đề xuất thêm phương án: sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện, và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu, thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu, để người lao động hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Ảnh minh họa
Theo Bộ LĐ-TB-XH, có nhiều nguyên nhân khiến người lao động rút BHXH 1 lần. Một trong những nguyên nhân phải kể đến là quy định điều kiện về thời gian đóng góp tối thiểu 20 năm để hưởng lương hưu, dẫn đến đa số người lao động khi nghỉ việc mới chỉ có từ 3 đến dưới 10 năm đóng, sẽ rất khó để quyết định chờ đợi đóng tiếp để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Với những người lao động 45 hoặc 50 tuổi, mới bắt đầu tham gia BHXH, càng khó có cơ hội hưởng lương hưu. Điều kiện này cùng với những khó khăn trong việc tìm kiếm, duy trì việc làm ở khu vực chính thức đã khiến những người lao động nản lòng trong quá trình theo đuổi đóng góp BHXH, để đủ điều kiện được hưởng chế độ hưu trí trong tương lai khi về già…
Cũng theo Bộ LĐ-TB-XH, đa số người hưởng BHXH một lần, là người lao động ngừng đóng BHXH sau một năm (chiếm trên 98% tổng số người hưởng BHXH một lần giai đoạn 2016-2021). Số người hưởng BHXH một lần, khi đến tuổi về hưu nhưng chưa đủ số năm đóng BHXH tối thiểu chiếm rất ít, chỉ chiếm gần 0,8% giai đoạn 2016-2021.
TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, việc rút BHXH một lần sẽ khiến người lao động mất toàn bộ số năm đã đóng trước đó. Sau này nếu quay lại hệ thống khó lòng tham gia nhiều năm đóng để hưởng tỷ lệ lương hưu cao nhất 75%. Do đó, rất cần có những chính sách nhằm giảm số người rút BHXH một lần.
Đồng quan điểm, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân cho biết, kinh nghiệm nhiều nước là hạn chế rút BHXH một lần. Việc rút BHXH 1 lần sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh của người lao động. Đa số người lao động nhận tiền BHXH 1 lần để đáp ứng nhu cầu trước mắt, song khi đến độ tuổi không còn khả năng lao động sẽ không có nguồn tiền ổn định trang trải cuộc sống. Việc hạn chế chính sách rút BHXH 1 lần nhằm đảm bảo an sinh lâu dài của người lao động.
Về việc cơ quan soạn thảo đề xuất 2 phương án như trên, ông Huân cho rằng, kể cả có giữ nguyên như quy định hiện hành thì số người rút BHXH một lần vẫn gia tăng, tỷ lệ bao phủ BHXH cũng tăng rất chậm. Còn với phương án thứ hai, ông Huân lo ngại có thể nhận phản ứng của người lao động, do đó cần tăng cường tuyên truyền để người dân thấy được đây là chính sách nhằm đảm bảo cho cuộc sống về già của chính họ.
Đặc biệt, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cũng cho rằng, cơ quan BHXH cũng phải minh bạch nguồn tiền người lao động đóng vào, đảm bảo cho trượt giá, đầu tư sinh lời làm cho mức lương hưu tăng dần lên, từ đó giúp người dân yên tâm hơn. Các cơ quan liên quan cũng cần tính toán để có chính sách tín dụng nào đó nhằm hỗ trợ người lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn có thể vay mượn với lãi suất thấp giúp trang trải cuộc sống tạm thời, như vậy họ sẽ không nghĩ đến việc rút BHXH một lần./.
Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, trong giai đoạn 2016 - 2021, cả nước có hơn 4,05 triệu người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH một lần, bình quân mỗi năm khoảng 700.000 người hưởng BHXH một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%.
Những người hưởng BHXH một lần tập trung đông nhất ở nhóm từ trên 30 đến đủ 40 tuổi (chiếm khoảng 40,4%), thấp nhất là nhóm từ đủ 20 tuổi trở xuống (chiếm khoảng 0,3%). Như vậy có thể thấy, người hưởng BHXH một lần chủ yếu là lao động trẻ, từ trên 20 tuổi đến đủ 40 tuổi (chiếm khoảng 77,3% trong tổng số người hưởng BHXH một lần).
Điều này cho thấy việc hưởng BHXH một lần sớm vẫn có thể tiếp tục gia tăng, bởi chính ở giai đoạn tuổi trẻ này, thì hầu hết lao động quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già. Phần nữa cũng do áp lực về tài chính và sự thay đổi, gián đoạn trong công việc nên số lượng người hưởng BHXH một lần bình quân còn trẻ.