Apple sẽ phải đối mặt với hàng loạt quyết định pháp lý tại Mỹ và EU trong những tháng tới và điều này ảnh hưởng tới tương lai của mảng kinh doanh dịch vụ trị giá 85 tỷ USD hàng năm của họ, theo Financial Times.
Quyết định ảnh hưởng lớn nhất đối với nhà sản xuất iPhone có thể đến từ một phiên tòa chống độc quyền ở Mỹ liên quan đến Google.
Google tiết lộ đã trả hơn 26 tỷ USD vào năm 2021 để biến công cụ tìm kiếm của mình thành mặc định trên các thiết bị Apple cùng các mẫu smartphone lẫn trình duyệt tìm kiếm khác.
Nếu Google thua kiện, họ có thể phải chấm dứt khoản thanh toán thường xuyên cho Apple. Nhà phân tích Eric Seufert ước tính khoản tiền này chiếm 1/4 doanh thu hàng năm trong mảng dịch vụ của Apple.
Apple cũng đang phải đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng từ chính quyền Tổng thống Joe Biden do lo ngại về sự thống trị của cửa hàng ứng dụng App Store, thứ mà họ đã bị buộc phải thay đổi tại EU trước một đạo luật được ban hành để kiềm chế sức mạnh của big tech.
Việc phải đối diện với nhiều quyết định pháp lý ở hai thị trường lớn nhất được cho là rủi ro đối với Apple trong nhiều năm.
Mảng dịch vụ bao gồm App Store, Apple TV và Apple Music đều đặn đóng góp vào tổng doanh thu của công ty theo từng năm.
Phiên tòa chống lại Google được coi là phiên tòa chống độc quyền lớn nhất trong hơn 25 năm tại Washington. Phần tranh luận sẽ diễn ra vào tháng 5. Nếu Google thua kiện, câu hỏi đặt ra là hai gã khổng lồ công nghệ này sẽ hợp tác trong tương lai như thế nào?
Nhà Trắng đang đẩy mạnh nỗ lực kiềm toả quyền lực quá lớn của các tập đoàn công nghệ.
Jonathan Kanter, người đứng đầu đơn vị chống độc quyền thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, không hề giấu giếm mục tiêu đưa các vụ điều tra nhằm vào các công ty lớn nhất. Trong nhiều năm, cơ quan này đã điều tra chính sách App Store và hiện đang đẩy mạnh hơn bao giờ hết.
Trong những năm qua, các cơ quan quản lý cùng nhiều bên đã cố gắng chia tách hệ sinh thái iOS của Apple, một động thái mà gã khổng lồ công nghệ này luôn khẳng định sẽ làm suy yếu tính bảo mật của phần mềm.
Apple gần đây thừa nhận trong một hồ sơ gửi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) rằng họ sẽ phải thay đổi App Store ở EU, do đạo luật Thị trường Kỹ thuật số mới khiến các công ty công nghệ phải tuân thủ về mặt pháp lý.
Tại EU, Apple đang chuẩn bị cho phép "sideloading", tức người dùng iPhone không cần tải ứng dụng thông qua cửa hàng và có thể tìm đến các lựa chọn khác. Đây sẽ là lần đầu tiên hãng phá vỡ hệ sinh thái khép kín kể từ khi Steve Jobs ra mắt iPhone vào năm 2007.
Sideloading có thể tác động đến App Store, nơi Apple tính phí nhà phát triển tới 30% hoa hồng cho các giao dịch. Các dịch vụ trò chơi chiếm hơn một nửa doanh thu đó.
Apple thu về từ 6 tỷ đến 7 tỷ USD phí hoa hồng từ App Store trên toàn cầu mỗi quý, theo ước tính của Sensor Tower.
Đối với các nhà đầu tư, việc đánh giá hệ quả cuối cùng từ hàng loạt các hành động pháp lý trên toàn cầu là điều khó khăn.
Gene Munster, đối tác quản lý tại Deepwater Asset Management, cho biết: “Tôi thấy các nhà đầu tư chỉ nghĩ rằng các lùm xùm pháp lý liên quan đến Epic đã qua rồi và không cần quá lo lắng".
Tuy nhiên,Munster cho rằng đấy chỉ là các nhà đầu tư đang tự ru ngủ mình trên chiến thắng. Do đó, họ cần nhìn nhận những vấn đề liên quan tới pháp lý của Apple một cách nghiêm túc hơn.