Rủi ro lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu
Gần 400 triệu người trên 45 thành phố của Trung Quốc bị phong toả hoàn toàn hoặc một phần theo chính sách zero Covid của nước này. Theo dữ liệu từ Nomura Holdings, tất cả đại diện cho 40% GDP hàng năm, tương đương 7,2 nghìn tỷ USD, của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Các nhà phân tích đang gióng lên những hồi chuông cảnh báo. Họ nói rằng các nhà đầu tư không đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của suy thoái kinh tế toàn cầu từ lệnh phong toả kéo dài này.
Lu Ting, nhà kinh tế trưởng của Nomura, và các đồng nghiệp lưu ý: "Thị trường toàn cầu có vẫn vẫn đánh giá thấp tác động, bởi vì xung đột Nga – Ukraine và việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thu hút nhiều sự chú ý hơn".
Đáng báo động nhất là tình trạng phong toả vô thời hạn ở Thượng Hải, thành phố 25 triệu dân và là một trong những trung tâm sản xuất – xuất khẩu hàng đầu Trung Quốc.
Việc cách ly dẫn đến tình trạng thiếu lương thực, không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế và thậm chí còn có ghi nhận ngược đãi vật nuôi. Thượng Hải cũng để cảng lớn nhất thế giới phải thiếu nhân công.
Cảng Thượng Hải, nơi xử lý hơn 20% lưu lượng hàng hóa của Trung Quốc vào năm 2021, cơ bản đang bế tắc. Nguồn cung cấp thực phẩm bị mắc kẹt trong các container mà không được chuyển đến tủ đông lạnh nên đang bị thối rữa.
Hiện tại, hàng hoá nhập khẩu hiện bị kẹt tại các cảng biển Thượng Hải trung bình 8 ngày trước khi được vận chuyển đi nơi khác. Đây là mức tăng 75% kể từ khi đợt phong toả mới bắt đầu.
Theo dự án nền tảng hiển thị chuỗi cung ứng 44, thời gian lưu kho của hàng xuất khẩu đã giảm xuống. Nhưng điều đó có nghĩa là không có container mới nào được gửi đến bến cảng từ các kho hàng.
Các hãng hàng không đã hủy tất cả các chuyến bay đến và rời khỏi thành phố. Hơn 90% xe tải hỗ trợ giao hàng xuất nhập khẩu hiện không hoạt động.
Theo niên giám thống kê của chính phủ năm 2021, Thượng Hải sản xuất 6% lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Việc đóng cửa các nhà máy trong và xung quanh thành phố đang làm xáo trộn thêm chuỗi cung ứng.
Các nhà máy cung cấp của Sony và Apple trong và xung quanh Thượng Hải đều không hoạt động. Quanta, nhà sản xuất máy tính xách tay lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất MacBook, đã ngừng sản xuất hoàn toàn. Nhà máy này chiếm khoảng 20% công suất sản xuất máy tính xách tay của Quanta. Trước đó, nhà máy ước tính sẽ xuất xưởng 72 triệu chiếc trong năm nay. Tesla cũng đã đóng cửa nhà máy ở Thượng Hải, nơi sản xuất khoảng 2.000 ô tô điện mỗi ngày.
Ngày 15/4, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cho biết rằng họ đã cử một lực lượng đặc nhiệm đến Thượng Hải để làm việc, với kế hoạch tiếp tục sản xuất tại 666 nhà sản xuất chủ chốt ở thành phố bị phong toả.
Các CEO của Tesla hy vọng họ sẽ được phép mở cửa trở lại vào 18/4, chấm dứt thời gian tạm dừng sản xuất lâu nhất của nhà máy kể từ khi mở cửa năm 2019. Theo Reuters, nhà sản xuất ô tô đã mất hơn 50.000 chiếc cho đến nay.
Ông Michael Hirson, Giám đốc phụ trách Trung Quốc và Đông Bắc Á của Eurasia Group cho biết: "Trung Quốc chịu tác động lớn và tác động lên nền kinh tế toàn cầu là khá lớn. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ có nhiều biến động cũng như gián đoạn kinh tế và xã hội trong ít nhất 6 tháng tới".
Mối đe doạ mới "lờ mờ" xuất hiện
Hoạt động sản xuất và vận chuyển của Trung Quốc chịu gián đoạn kéo dài có thể thúc đẩy Mỹ đưa ra sáng kiến quan trọng nhằm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào sản phẩm và chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Nhưng sáng kiến này đi kèm với những hậu quả kinh tế nghiêm trọng ngay tức khắc.
Trong báo cáo công bố tuần trước, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã cảnh báo về trường hợp xấu nhất liên quan đến việc các nền kinh tế toàn cầu bị chia cắt do chiến sự tại Ukraine. GDP toàn cầu có thể giảm 5% trong dài hạn.
Điều này khó có thể xảy ra nếu xét về mối quan hệ tài chính sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo dữ liệu từ Rhodium Group, hai quốc gia đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu của nhau đạt 3,3 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2020.
Hirson nói: "Đây vẫn là những nền kinh tế rất gắn bó với nhau. Sự hội nhập không phải là điều gì đó dễ dàng bị thay đổi, bởi vì như vậy sẽ cực kỳ tốn kém cho Mỹ và cho nền kinh tế toàn cầu".
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo kinh tế Mỹ tin rằng quá trình chia tách đã diễn ra. Marks, đã viết vào cuối tháng 3 rằng: "Sự thay đổi đã quay ngược lại với việc tìm nguồn cung ứng tại chỗ và tránh xa toàn cầu hoá".
Chủ tịch Blackrock, Larry Fink, đã nhắc lại tình trạng này trong một lá thư gửi cổ đông công ty. Ông viết: "Cuộc chiến ở Ukraine đã đặt dấu chấm hết cho quá trình toàn cầu hoá mà chúng ta đã trải qua trong 3 thập kỷ qua".
Trong bài phát biểu trước Hội đồng Đại Tây Dương vào tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết Mỹ đang theo dõi chặt chẽ các mối liên hệ chính trị và kinh tế của Trung Quốc với Nga. Bà Yellen nói: "Trong tương lai, sẽ ngày càng khó phân tách vấn đề kinh tế ra khỏi các vấn đề lớn hơn liên quan đế lợi ích quốc gia, bao gồm cả an ninh".
Trong khi đó, một phần ba Trung Quốc đang bị mắc kẹt trong phong toả và nền kinh tế của nước này đang gặp khó khăn.
Theo nghiên cứu từ Đại học Hồng Kông, Trung Quốc có thể mất ít nhất 46 tỷ USD sản lượng kinh tế mỗi tháng, tương đương 3,1% GDP.
Các nhà phân tích không còn tin vào mục tiêu 5,5% vào năm 2022 của Trung Quốc sẽ thành hiện thực. Đó vốn được cho là mục tiêu ít tham vọng nhất của nước này trong 3 thập kỷ trở lại đây.
Ngân hàng Thế giới đã điều chỉnh ước tính tăng trưởng kinh tế Trung Quốc lên 5%, nhưng lưu ý rằng nếu các chính sách hạn chế của nước này tiếp tục, con số có thể giảm xuống 4%.
Tham khảo: CNN