Trong báo cáo ngành ngân hàng mới đây, Chứng khoán VPBank (VPBankS) đánh giá xu hướng tài trợ cho chương trình ca nhạc đã đem lại hiệu quả về cả mặt kinh doanh và thương hiệu cho các ngân hàng.
VIB đã tạo xu hướng tài trợ cho các chương trình ca nhạc nổi bật, điển hình là chương trình The Masked Singer (Ca sĩ giấu mặt), nhằm kết nối với thế hệ Millennials (sinh ra từ năm 1981 đến 1996) và Gen Z (từ 1997 đến 2012) – phân khúc khách hàng quan trọng của ngân hàng.
Theo VPBankS, chiến lược này không chỉ giúp VIB gia tăng độ nhận diện thương hiệu mà còn thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động kinh doanh thẻ. Cụ thể, số lượng thẻ của VIB đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 6 năm 44%/năm, trong khi chi tiêu qua thẻ tăng trưởng mạnh hơn, lên tới 56%/năm.
Dấu ấn thương hiệu của VIB càng rõ nét hơn qua sự kiện tài trợ concert Anh trai "say Hi" vào ngày 28/9 vừa qua, thu hút hơn 20,000 khán giả trực tiếp trong một đêm diễn và hàng triệu lượt theo dõi trực tuyến. Giá vé bán ra trung bình của của concert này là trên 2 triệu đồng.
Tính đến ngày 30/9, tăng trưởng tín dụng của VIB đạt 11,6% so với đầu năm, cao hơn mức trung bình ngành là 9%. Đặc biệt, 7% room tín dụng được giải ngân chỉ trong trong quý III/2024, VPBankS nhấn mạnh.
Ngoài VIB, một ngân hàng khác có được thành công lớn khi tham gia tài trợ các chương trình ca nhạc là Techcombank. Theo các chuyên viên phân tích, Techcombank đầu tư vào chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai (ATVNCG) để tăng trưởng huy động và thu hút thêm khách hàng mới, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ tuổi.
Ngoài ra, chương trình cũng là cơ hội để Techcombank quảng cáo sản phẩm mới là tính năng “Sinh lời tự động” (Auto earning) và giúp khách hàng làm quen với ứng dụng thanh toán của ngân hàng.
Tính đến cuối quý III/2024, tăng trưởng huy động của Techcombank đạt 15,1% so với đầu năm, trong khi đó, tăng trưởng tín dụng đạt 17,4%, chênh lệch 2,3%. Tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) thuần đạt 125%, cao đầu ngành. Đây là dấu hiệu cho thấy Techcombank nên bổ sung huy động để có thể cho vay một cách bền vững hơn, VPBankS nhận định.
Do đó, việc đầu tư vào chương trình ATVNCG là cơ hội hoàn hảo để gia tăng tiền gửi không kỳ hạn. Nếu tính cả số dư auto earning, tỷ lệ CASA của Techcombank ở mức 40,5 %, dẫn đầu toàn ngành. Nếu loại trừ auto earning, tỷ lệ CASA của Techcombank là 36,5%.
- TIN LIÊN QUAN
-
KBSV: Tài trợ và tổ chức concert ATVNCG giúp Techcombank huy động lượng lớn CASA
Ngoài ra, VPBankS lưu ý rằng số dư của auto earning đã tăng 35% chỉ trong quý III, lên 19.500 tỷ đồng so với quý trước do hiệu ứng từ cơ hội săn vé ATVNCG.
Với các ước tính đơn giản, có thể xác định Techcombank đã thu hút được hàng trăm tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn và hàng nghìn tỷ đồng tiền gửi auto earning thông qua các chương trình này.
Ở chiều ngược lại, việc tài trợ cho chương trình ca nhạc cũng có thể khiến chi phí hoạt động của các ngân hàng gia tăng. Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý III/2024, chi phí hoạt động 9 tháng năm 2024 của VIB ở mức 5.460 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ; chi phí của Techcombank ở mức 10.629 tỷ đồng, tăng 10,2%.
Trong khi đó, chi phí hoạt động 9 tháng năm 2024 của toàn ngành (gồm 29 ngân hàng đã công bố BCTC) chỉ tăng thêm gần 8%. Trong báo cáo cập KQKD của Techcombank gần đây, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng lưu ý rằng việc tài trợ cho chương trình ATVNCG đã làm tăng chi phí hoạt động của ngân hàng.
Ngoài ra, không phải ngân hàng nào cũng gặt hái thành công lớn từ việc tài trợ cho chương trình ca nhạc. Theo VPBankS, hầu hết các chương trình ca nhạc khác mà các ngân hàng lựa chọn tài trợ là để thúc đẩy chi tiêu và mở mới thẻ tín dụng. Lựa chọn chương trình chính là yếu tố then chốt để quyết định sự thành công của các chương trình tài trợ này.
MB và VPBank cũng đã tài trợ cho chương trình Chị đẹp đạp gió rẽ sóng (mùa đầu tiên) và Our song. Tuy nhiên, hai chương trình này không có tiếng vang và sự nổi tiếng bằng Anh trai "say Hi” và ATVNCG nên hiệu ứng không được tốt bằng, các chuyên viên phân tích nhận định.