Dự án bảo tồn mang tên “Cùng lên tiếng bảo vệ loài Sao la và các hệ sinh thái vì thiên nhiên và con người” (VFD-Saola) sẽ giúp tăng cường năng lực và sự tham gia của các tổ chức xã hội trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ loài và sinh cảnh của Sao la, nâng cao nhận thức cộng đồng và các bên liên quan.
Qua đó, góp phần hoàn thiện chính sách về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, hướng tới chấm dứt tình trạng buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trái phép tại thành phố Huế, sinh cảnh từng ghi nhận loài Sao la quý hiếm.
Một trong những hoạt động chính của dự án là phát huy vai trò của cộng đồng địa phương, cán bộ bảo vệ rừng tại một số địa bàn mục tiêu ở thành phố Huế thông qua hỗ trợ trang thiết bị và kinh phí để tăng cường hoạt động tuần tra bảo vệ Sao la và các loài động vật hoang dã.
![]() |
Hình ảnh hiếm hoi của Sao la ghi nhận ngoài tự nhiên. Ảnh: WWF. |
Sao la được phát hiện lần đầu tiên tại VQG Vũ Quang vào năm 1992, gây chấn động giới bảo tồn trong nước và quốc tế, là một trong những loài thú lớn được phát hiện muộn nhất thế giới.
Loài thú này chỉ tìm thấy ở dãy Trường Sơn thuộc biên giới Việt Nam – Lào, trong những cánh rừng già hoang sơ, bí ẩn với số lượng cá thể ngoài tự nhiên vô cùng ít.
Tại Việt Nam, loài được ghi nhận ở một số địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam. Tuy nhiên, nhiều năm qua, giới khoa học chỉ ghi nhận được vài hình ảnh ngoài tự nhiên thông qua bẫy ảnh.
Tháng 10 năm 1998, các nhà khoa học chụp được ảnh Sao la tại Vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An. Năm 2013, sau 15 năm tìm kiếm, bẫy ảnh của WWF mới ghi nhận thêm hình ảnh Sao la, tại Quảng Nam. Từ đó đến nay, giới bảo tồn chưa ghi nhận thêm những hình ảnh của loài dù nỗ lực tìm kiếm không ngừng nghỉ.
Mới đây một dự án mang tên Giải cứu Sao la khỏi bờ tuyệt chủng cũng được WWF thực hiện, dưới sự tài trợ của Liên minh Châu Âu.
Các nhà bảo tồn đã thực hiện chiến dịch “truy tìm” loài thú bí ẩn này tại 6 địa phương bằng cách sử dụng kiến thức sinh thái bản địa và các công cụ giám sát khoa học mới nhất. Công nghệ ADN môi trường cũng được áp dụng trong quá trình tìm ra loài thú quý hiếm này. Dù vậy đến nay, những nỗ lực tìm kiếm chưa được đền đáp.
Riêng tại Thừa Thiên Huế, năm 2010, UBND tỉnh đã thành lập Khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên Huế trên diện tích hơn 15,5 nghìn ha, là nơi sinh sống của hàng nghìn loài động thực vật, trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý hiếm.