Công nghệ

RISC-V - mối lo mới của Mỹ đối với Trung Quốc

Tuần qua, một số nhà lập pháp Mỹ, trong đó có thượng nghị sĩ Marco Rubio và Mark Warner, đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden nhanh chóng hành động với lý do an ninh quốc gia trước việc Trung Quốc tập trung nhiều hơn cho công nghệ RISC-V. Cả hai lo ngại quốc gia châu Á "đang khai thác văn hóa hợp tác cởi mở với công ty Mỹ nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của riêng mình, từ đó có thể làm xói mòn vị trí dẫn đầu hiện tại của Mỹ trong lĩnh vực chip và giúp Trung Quốc hiện đại hóa quân đội".

"Trung Quốc đang phát triển chip nguồn mở để né các lệnh trừng phạt", Rubio nói. "Nếu không mở rộng biện pháp kiểm soát xuất khẩu để ngăn mối đe dọa, một ngày nào đó, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nước dẫn đầu toàn cầu về thiết kế chip".

"Tôi lo ngại luật kiểm soát xuất khẩu của Mỹ không được tạo ra để giải quyết thách thức trước vấn đề nguồn mở, dù là thiết kế RISC-V hay trong lĩnh vực AI", Warner cho hay. "Cần thay đổi mạnh mẽ".

Thiết bị bán dẫn được trưng bày tại Semicon China ở Thượng Hải ngày 29/6. Ảnh: Reuters

Thiết bị bán dẫn được trưng bày tại Semicon China ở Thượng Hải ngày 29/6. Ảnh: Reuters

Trong phản hồi với Reuters ngày 6/10, nghị sĩ Mike Gallagher của Hạ viện Mỹ cho rằng Bộ Thương mại Mỹ cần "yêu cầu bất kỳ cá nhân hay doanh nghiệp Mỹ phải có giấy phép xuất khẩu trước khi hợp tác với các thực thể Trung Quốc về RISC-V".

Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, cũng nói: "Người Mỹ không nên ủng hộ chiến lược chuyển giao công nghệ của Trung Quốc nhằm làm suy yếu luật kiểm soát xuất khẩu đã đưa ra".

Những tuyên bố trên được xem là động thái đầu tiên của Mỹ trong việc hạn chế Trung Quốc tăng cường sức mạnh ở lĩnh vực bán dẫn với RISC-V.

RISC-V là kiến trúc tập lệnh (ISA), được sử dụng trong thiết kế bộ xử lý. Công nghệ chip nguồn mở này ra đời tại Đại học California năm 2010, nhưng hầu hết sự đóng góp đến từ toàn cầu dưới dạng phi lợi nhuận, không chịu sự ràng buộc bởi bất kỳ quốc gia nào.

Chuẩn này trở nên phổ biến năm 2015 khi toàn bộ chi tiết công nghệ được cung cấp miễn phí cho các nhà phát triển dưới sự giám sát của tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Thụy Sĩ. Sự chú ý đến RISC-V ngày càng lớn khi Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) của Lầu Năm Góc tham gia tài trợ. Những người sáng tạo đã so sánh nó với Ethernet, USB và thậm chí là Internet - những thứ được cung cấp miễn phí và thu hút sự đóng góp từ khắp thế giới, giúp việc chế tạo bán dẫn nhanh và rẻ hơn.

Semico Research, công ty có trụ sở tại Arizona (Mỹ), ước tính số lượng chip có ít nhất một công nghệ RISC-V sẽ tăng với tốc độ 73,6% mỗi năm cho đến 2027. Đối với các công ty Trung Quốc, RISC-V đang nổi lên như một cơ hội để họ bắt kịp đối thủ nước ngoài, trong bối cảnh đang bị cấm sử dụng công nghệ Mỹ hoặc có nguồn gốc từ Mỹ.

"Chúng tôi nhận thấy RISC-V sẽ giúp Trung Quốc có cơ hội phát triển CPU của riêng mình", Nathan Ma, Giám đốc chiến lược cấp cao của công ty chip Nuclei, nói với SCMP giữa năm ngoái.

Huawei là một trong những công ty Trung Quốc sớm coi RISC-V là yếu tố quan trọng trong tự chủ sản xuất chip. Cùng với các công ty trong nước, hãng đầu tư hàng tỷ USD cùng nguồn nhân lực lớn cho công nghệ mở này. Cuối tháng trước, hai đơn vị chip T-Head, VeriSilicon của Alibaba và bảy công ty khác đã công bố thành lập liên minh bằng sáng chế tại diễn đàn công nghiệp RISC-V ở Thượng Hải.

Theo giới quan sát, nếu chính quyền Joe Biden thêm lệnh cấm mới liên quan tới RISC-V, việc này có thể làm phức tạp vấn đề nghiên cứu bán dẫn ở quy mô toàn cầu, đặc biệt là cách các công ty Mỹ và Trung Quốc hợp tác trên tiêu chuẩn kỹ thuật mở. Nó tạo trở ngại lớn cho Trung Quốc khi theo đuổi mục tiêu tự cung cấp chip, nhưng cũng cản trở nỗ lực của Mỹ và châu Âu trong việc tạo ra chip rẻ và linh hoạt hơn.

"Đó có thể là thảm kịch", Jack Kang, Phó chủ tịch phát triển kinh doanh của công ty sản xuất chip SiFive, nói. "Nó giống với lệnh cấm chúng ta không được làm việc trên môi trường Internet. Đó sẽ là một sai lầm lớn về mặt công nghệ, khả năng lãnh đạo, sự đổi mới cũng như các công việc hiện có".

(theo Reuters)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm