Xã hội

"Rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trong đêm nay"

Miễn thuế 3 năm đầu với doanh nghiệp thành lập mới

 Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tối 16/5. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Sau khi các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường, tối 16/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến lần 2 về dự thảo Nghị quyết cơ chế đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, trước khi Quốc hội bấm nút thông qua vào sáng 17/5.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, dự thảo nghị quyết đã điều chỉnh thời điểm áp dụng bỏ hình thức thuế khoán với hộ kinh doanh để họ chuyển thành doanh nghiệp từ ngày 1/1/2026, thay vì ngày 1/7/2026.

Với quy định số lần thanh, kiểm tra với doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh tối đa 1 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng, Thứ trưởng Tài chính giải thích nội dung này hướng tới việc giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp và chuyển mạnh sang hậu kiểm.

Quy định này cũng không hạn chế với hoạt động thanh, kiểm tra đột xuất khi doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm và tăng kiểm tra trên cơ sở chia sẻ dữ liệu thông tin giữa các cơ quan. Tức là, công tác quản lý Nhà nước không bị giảm hiệu lực, hoạt động của doanh nghiệp không bị cản trở.

Liên quan tới chính sách miễn thuế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, Thứ trưởng Tâm cho biết có hai luồng ý kiến khác nhau.

Phương án 1, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm với các công ty có quy mô nhỏ và vừa kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập lần đầu. Thứ trưởng Tâm nói quy định này nhằm thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.

Phương án 2, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp với các công ty nhỏ và vừa trong 3 năm kể từ khi có lãi.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi, cho biết Uỷ ban tán thành với các nội dung tiếp thu tại dự thảo nghị quyết. Tuy nhiên, với nội dung giảm thuế, ông đề nghị chọn phương án 1, tức là doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn thuế thu nhập trong 3 năm kể từ khi thành lập, để phù hợp với chủ trương của Nghị quyết 68.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng tình chọn phương án 1 như đề nghị của Chính phủ. Bởi theo họ, chờ tới khi doanh nghiệp có lãi mới miễn thuế là chưa hợp lý, nên khuyến khích doanh nghiệp ngay từ đầu.

Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Bộ Tài chính cùng Ủy ban Kinh tế và Tài chính trong đêm nay rà soát, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo nghị quyết. Dự kiến, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết này vào sáng 17/5.

Lo ngại tạo kẽ hở cho doanh nghiệp lợi dụng

Trước đó, bên cạnh nhiều ý kiến cho rằng cần mở rộng thêm các quy định ưu đãi cho doanh nghiệp, cũng có ý kiến đại biểu đề nghị cần có cơ chế hậu kiểm đủ mạnh, minh bạch và hiệu quả thì chính sách này rất dễ trở thành kẽ hở để các doanh nghiệp lợi dụng.

Tán thành với chủ trương chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặc biệt trong quản lý điều kiện kinh doanh song đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH Hải Dương cho rằng, nếu không có cơ chế hậu kiểm đủ mạnh, minh bạch và hiệu quả thì chính sách này rất dễ trở thành kẽ hở để các doanh nghiệp lợi dụng.

"Thực tế cho thấy, nhiều đối tượng đã lợi dụng chính sách thông thoáng để lập ra hàng trăm công ty không hoạt động thực tế, mua bán hóa đơn, trốn thuế, rửa tiền, gây thất thu ngân sách và làm méo mó môi trường cạnh tranh", bà nói và đề nghị Chính phủ cần bổ sung rõ các yêu cầu cụ thể đối với hệ thống hậu kiểm.

Trong đó có việc liên thông dữ liệu giữa các cơ quan thuế, hải quan, ngân hàng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; ứng dụng công nghệ số trong giám sát; xem xét xây dựng chế tài đủ sức răn đe. Đồng thời, cần quy định rõ các ngành, lĩnh vực buộc phải tiền kiểm, trên cơ sở rủi ro và kinh nghiệm quốc tế, để tránh áp dụng tràn lan hoặc lỏng lẻo, đại biểu Nga đề xuất.

Về các chính sách hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực (Chương V), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đánh giá, dự thảo Nghị quyết đang quy định rất chung chung và chưa đủ mạnh.

"Việc 'cung cấp miễn phí một số dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo về quản trị doanh nghiệp, kế toán, thuế, nhân sự, pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh' là cần thiết nhưng còn quá chung chung", đại biểu Nga nhìn nhận.

Bà đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể hơn đối với danh mục các loại dịch vụ được cung cấp miễn phí, các công việc được hỗ trợ để khâu tổ chức thực hiện được thống nhất và rõ ràng.

Một trong những điểm mới liên quan đến chính sách thuế tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân là việc bỏ hình thức thuế khoán.

Các tin khác

PGS.TS Bùi Quang Tuấn: VinSpeed đề xuất đầu tư đường sắt cao tốc, cần được ủng hộ và tạo cơ chế đặc biệt

PGS.TS Bùi Quang Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – khẳng định việc VinSpeed đề xuất đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam là một tín hiệu tích cực, thể hiện tinh thần tiên phong của khu vực tư nhân trong những dự án hạ tầng chiến lược. Ông cũng kỳ vọng, dự án sẽ tạo xương sống mở đường cho giai đoạn tăng trưởng tốc độ cao của Việt Nam.

Ban Thường vụ Thành ủy Huế chỉ định nhân sự

Đại tá Cà Văn Lập - Chính ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) TP Huế, được Ban Thường vụ Thành ủy Huế chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy và giữ chức Bí thư Đảng ủy BĐBP thành phố khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Phát hiện hai 2 du khách tử vong khi tắm thác tại Hoà Bình

Hai du khách đặt cơm tại một nhà hàng ở khu du lịch thác Trăng (xóm Trăng Tà, xã Nhân Mỹ, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) nhưng đến giờ ăn không thấy quay lại. Đến đầu giờ chiều, người dân phát hiện hai người đã tử vong trên thác.