Làm sao để chặng đường nuôi con trở nên nhẹ nhàng và thành công là mơ ước của hầu hết các bậc cha mẹ, nhưng không phải ai cũng có kiến thức hay tuyệt chiêu để thực hiện việc này dễ dàng.
“Quy tắc 7-3” được các chuyên gia giáo dục đúc kết sau đây không chỉ áp dụng trong cuộc sống mà còn áp dụng cho các mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau, bao gồm cả quan hệ cha mẹ - con cái.
Là cha mẹ, khi bạn kiểm soát con quá chặt, con bạn có thể tỏ ra hèn nhát hoặc nổi loạn; nếu bạn không kỷ luật hoặc thả lỏng quá mức, con bạn có thể buông thả và không nghe lời.
Vì vậy, ngay cả mối quan hệ cha con yêu chiều bao nhiêu, tốt nhất cũng nên tuân thủ “quy tắc 7-3” này.
Quy tắc 7 phần học tập - 3 phần tự do
Bạn có đang nhìn thấy những đứa trẻ suốt ngày vùi đầu vào sách vở và đi học hết lớp này đến lớp khác mà không có tuổi thơ tung tăng bay nhảy không?
Nếu bạn có một gia đình êm ấm, cha mẹ có chung nguyện vọng đồng hành và giáo dục con cái chính là điều có lợi nhất cho sự trưởng thành của trẻ em.
Là cha mẹ, trong việc nuôi con, đừng cố chấp với mọi giá ép trẻ học hành, buộc con phát triển trí tuệ một cách mù quáng. Thay vào đó, chỉ cần cho con học tập 7 phần là đủ, trừ lại 3 phần không gian để con cái được tự do.
Cha mẹ cần cho trẻ một khoảng thời gian sống tự do theo ý thích, để trẻ vui chơi, trau dồi khả năng sống độc lập, hình thành kỹ năng và phát triển trí tuệ, cảm xúc thông qua các hoạt động khác trong cuộc sống, phát huy và vận dụng trí tưởng tượng đối với môi trường thiên nhiên, thực hành phát triển óc sáng tạo trong trải nghiệm thực tế.
Nhìn chung, vừa cho con học, vừa để con chơi chính là giáo dục con một cách toàn diện và hiệu quả nhất.
Quy tắc 7 phần giúp đỡ - 3 phần tự túc
Khi ra ngoài xã hội, bạn sẽ thấy có những đứa trẻ rất phụ thuộc vào cha mẹ, sống ỷ lại và lười biếng. Nhưng cũng có những đứa trẻ rất chủ động, tự giác, biết làm nhiều việc, đó chính là sự khác biệt trong cách nuôi dạy của cha mẹ.
Khi còn nhỏ, trẻ em rất cần tình yêu thương của cha mẹ, và theo quy tắc này, chúng ta cần dành 7 phần cho sự giúp đỡ, chăm sóc, và 3 phần còn lại là phải để con tự lập trong quá trình nuôi dạy trẻ trưởng thành nên người.
Nhưng cha mẹ chỉ có thể nuôi dưỡng con cái, cho đi học và cùng con lớn lên đến tuổi thành niên. Còn con đường phía trước trẻ bước đi ra sao và có thể đạt được thành tựu thế nào lại là điều phụ thuộc vào sự tự giác của chính đứa trẻ đó.
Do vậy, việc chăm sóc và giúp đỡ con cái, chỉ nên thực hiện 7 phần, 3 phần còn lại nên để trẻ tự lập, tự giác, tự phấn đấu, sống có trách nhiệm với bản thân.
Cha mẹ không thể giúp đỡ con cái 100% mà quên đi việc con phải tự làm, tự vượt qua khó khăn hàng ngày. Sự tự kỷ luật là một tính cách nền tảng đối với người trưởng thành. Khi trở thành người lớn, trẻ phải tự lập hoàn toàn trong công việc và cuộc sống, cho nên, việc để trẻ tự lập ngay từ khi còn nhỏ chính là chìa khóa giúp con thành công sau này.
Khi con trẻ tự lập sống trong cuộc đời mà không phụ thuộc vào cha mẹ, trẻ sẽ tự tìm được giải pháp khi gặp vướng mắc, từ đó có thể vượt qua và vươn lên dễ dàng. Giải sử trẻ có bị rơi vào vũng lầy hay sự tuyệt vọng, đứa trẻ tự lập sẽ không dễ bỏ cuộc mà mạnh mẽ vươn lên.
Một đứa trẻ có tính tự lập, tự giác sẽ luôn tiến về phía trước, dù khó khăn vẫn mang niềm hy vọng, đi trong đêm tối vẫn sẽ nhìn thấy một bầu trời đầy sao lộng lẫy.
Quy tắc 7 phần gần gũi – 3 phần giữ khoảng cách
Dù con của bạn do bạn sinh ra, nhưng đứa trẻ hoàn toàn là một cá thể độc lập. Mối quan hệ cha mẹ - con cái là sự gần gũi nhưng nó chỉ nên chiếm 7 phần, 3 phần còn lại chính là phải có khoảng cách, sự riêng tư và tôn trọng lẫn nhau.
Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ ở bên sẽ có cảm giác an toàn. Khi vào tuổi thiếu niên, có cha mẹ ở bên, trẻ sẽ có cảm giác tự tin, không phải lo cơm ăn áo mặc. Khi bước vào tuổi thanh niên, có cha mẹ ở bên, trẻ sẽ trở nên vô tư, không lo nghĩ. Có cha mẹ, giống như có một ngọn núi lớn vững chãi để có thể nương tựa vào bất cứ lúc nào.
Nhưng khi con cái lớn hơn nữa, có thể tự lập, có cách đối nhân xử thế riêng thì cha mẹ cũng nên học cách lùi xa con ra, giữ một khoảng cách nhất định, dành lại không gian riêng cho con, để con tự quyết định vận mệnh của mình.
Mặc dù con cái luôn nhỏ bé và khờ dại trong mắt cha mẹ, nhưng làm cha mẹ thì không nên bao bọc con mãi mãi, mà chỉ nên chăm lo 7 phần, trừ 3 phần khoảng cách để con tự tiến thân, tự phát triển, tự quyết định. Để khi con trưởng thành, con hoàn toàn có thể tự giải quyết được các vấn đề của mình, khi không còn cha mẹ bên cạnh, đây là cách sống thực tế.
Trong cuộc sống gia đình hiện nay, đa số con cái thường đi làm ăn ở xa, cha mẹ ở nhà, con cái không gặp được cha mẹ, cha mẹ không quản được con cái. Mối quan hệ cha - con đã trở thành ngược lại với lúc trước, chỉ còn 3 phần gần gũi 7 phần xa cách.
Quy tắc 7 phần hòa hợp, 3 phần bất đồng
Nuôi con, không phải lúc nào cũng thuận lợi, êm đềm, mà sẽ có những lúc bất đồng chính kiến, tranh luận, cãi vã. Cho nên, chỉ cần giữ 7 phần hòa hợp, thì 3 phần bất đồng cũng là chuyện bình thường.
Trong cuộc sống, là cha mẹ, hãy cố gắng không nói với con cái bằng giọng điệu ra lệnh. Bởi vì trẻ em ngày nay có khả năng tư duy và hành vi độc lập tương đối mạnh mẽ, nên các bậc cha mẹ cũng nên lắng nghe một số gợi ý có ý nghĩa từ trẻ nhỏ vào những thời điểm thích hợp.
Là con cái, chúng ta cũng nên ủng hộ và thấu hiểu cha mẹ mình. Vì cha mẹ là điểm tựa của con cái, trẻ nhỏ cần chăm sóc từ miếng cơm ăn, áo mặc, nhà ở, phương tiện đi lại cho đến chuyện học hành. Nhất là khi con còn nhỏ, rất cần tình yêu thương của cha mẹ để lớn lên.
Khi xử lý mối quan hệ cha mẹ - con cái, nắm vững một số phương pháp đúng đắn và hòa hợp với nhau theo cách 7 phần hòa hợp, 3 phần bất đồng có thể làm cho mối quan hệ trở nên thân thiết và hài hòa hơn.
Trên đây là “quy tắc 7-3” có thể áp dụng chung cho các lĩnh vực khác trong cuộc sống như “7 phần nghiêm khắc, 3 phần cưng chiều”, “7 phần tuân thủ, 3 phần tự chọn”, “7 phần thắt chặt, 3 phần nới lỏng”… vừa giúp bạn trải qua những ngày tháng nhàn nhã, dễ chịu, cân bằng, đồng thời cũng giúp cho con trẻ phát triển ổn định, giàu trải nghiệm, trưởng thành một cách chín chắn, sâu sắc.