Chứng khoán

Quỹ nhỏ sắp ‘vào bờ’ sau tháng 8 khởi sắc, cá mập tỷ USD vẫn chưa thể thẳng nổi VN-Index

 Tỷ suất lợi nhuận của các quỹ trong 8 tháng đầu năm nay. Nguồn: LH tổng hợp.

Trước tiên cần giới thiệu rằng thống kê sẽ đưa ra tỷ suất lợi nhuận đầu tư trong 8 tháng đầu năm chỉ tính đến các quỹ đóng, quỹ mở quy mô lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Sở dĩ thống kê không đưa vào không so sánh các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) bởi đây là các quỹ tham chiếu theo một rổ chỉ số cố định, những nhà quản lý quỹ không có vai trò lớn trong cải thiện tỷ suất lợi nhuận thông qua giao dịch cơ cấu lại danh mục đầu tư của quỹ.

Quan sát trong 8 tháng đầu năm nay, những quỹ đầu tư có quy mô nhỏ hơn lại đang có tỷ suất lợi nhuận tích cực hơn so với nhóm dẫn đầu. Việc sở hữu một danh mục lớn, thậm chí lên tới hàng tỷ USD khiến khó khăn hơn trong cơ cấu danh mục.

Quỹ Đầu tư Tăng trưởng Dài hạn Việt Nam (VLGF) do SSIAM quản lý tiếp tục có kết quả tốt nhất dù tỷ suất lợi nhuận là - 2,85%. Tổng tài sản quản lý của VLGF quanh ngưỡng 100 triệu USD. Cùng với VGLF, quỹ VinaWealth Equity Opportunity Fund (VEOF) do VinaCapital quản lý có hiệu suất - 3,1%.

Mặc dù hiệu suất âm nhưng công bằng để nói rằng đây là kết quả tích cực trong ngành quản lý quỹ nếu so với mức giảm 14,5% của VN-Index hay 15,3% của VN30-Index. Hơn nữa, hai quỹ trên đang cho tín hiệu “vào bờ” khi kết quả đang tiệm cận ngưỡng hiệu suất dương.

Nhóm “chiến thắng” thị trường trong 8 tháng đầu năm còn có loạt quỹ đầu tư với quy mô hàng trăm triệu USD như Lumen Vietnam Fund, LionGlobal Vietnam Fund, KIM Vietnam Growth Fund, CTBC Vietnam Equity Fund, Vietnam Holding.

Tính đến ngày 16/8, Lumen Vietnam Fund có tỷ suất lợi nhuận - 10,1%. Quỹ đầu tư này có quy mô khoảng 235 triệu USD, phân bổ nhiều vào các cổ phiếu như FPT, VHM, CTG, HCM. Khác với các quỹ đầu tư trên thị trường, tỷ trọng của các mã trong danh mục thường thấp hơn 8%. Tổng tỷ trọng của 10 cổ phiếu lớn nhất thời điểm giữa tháng 8 là 50,27%.

Còn với KIM Vietnam Growth Fund, tỷ suất lợi nhuận trong 8 tháng là - 10,12%. Thời điểm cuối tháng 8, tổng tài sản thuộc quyền quản lý (AuM) là hơn 547 triệu USD, tập trung vào các mã như TCB, FPT, MBB, VCB, PNJ.

Quỹ có kết quả tốt nhất trong nhóm Dragon Capital là CTBC Vietnam Equity Fund với tỷ suất lợi nhuận - 10,7% trong 8 tháng. Quỹ này có quy mô trên 20 tỷ Tân Đài tệ (15.330 tỷ đồng), rót vốn lớn vào các mã như DCVFM VN Diamond ETF, MBB, MWG, FPT, HPG, STB, VHM, DGC, KBC và BID.

Tỷ suất lợi nhuận trong 8 tháng của LionGlobal Vietnam Fund và Vietnam Holding lần lượt là - 13,7% và - 12,7%.

Ở nhóm quỹ lớn, tỷ suất lợi nhuận trong 8 tháng trong khoảng từ (- 15%) cho đến (- 22%). Nhìn một cách tổng quan, kết quả đầu tư của các quỹ dù kém hơn nhưng vẫn không nhiều khác biệt so với thị trường chung.

JPMorgan Vietnam Opportunities là quỹ đầu tư có thành tích tồi tệ nhất trong nhóm với tỷ suất lợi nhuận -21,5%. Tổng tài sản của quỹ tại ngày 31/8 đạt hơn 300 triệu USD, phân bổ nhiều vào VHM, HPG, MSN, VNM.

Trong nhóm Dragon Capital, ba quỹ thành viên có tỷ suất thấp hơn VN-Index là DC Dynamic Securities Fund (DCDS), Vietnam Equity (UCITS) Fund (VEF), VEIL - Dragon Capital.

Với vị thế lớn nhất thị trường, quỹ quy mô hơn 2 tỷ USD – VEIL có tỷ suất lợi nhuận -16,3% (cập nhật tại ngày 30/8). Trong những báo cáo công bố gần đây cho thấy VEIL duy trì tỷ trọng tiền mặt ở mức thấp trong nhiều tuần liên tiếp.

Hai quỹ khác là DC Dynamic Securities Fund (DCDS) và Vietnam Equity (UCITS) Fund (VEF) có tỷ suất lợi nhuận là -18,6% và -15,7%.

Quỹ mới gia nhập thị trường do VinaCapital tư vấn là Jih Sun Vietnam Opportunity Fund có tỷ suất - 17,3% sau hơn 7 tháng đầu tư. Kết quả này tương đương với một tổ chức gắn bó lâu năm trên thị trường là Pyn Elite Fund (- 17,8%).

Mặc dù còn khá “xa bờ” và chưa thể chiến thắng được thị trường chung, nhà quản lý của Pyn Elite Fund vẫn giữ góc nhìn lạc quan về danh mục đầu tư nói riêng và thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm