Tại Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ trong lĩnh vực tài chính – ngân sách nhà nước tháng 3/2024, Bộ Tài chính cho biết, trong tháng vừa qua, diễn biến thị trường chứng khoán có các phiên tăng, giảm đan xen, nhưng vẫn theo xu hướng tăng.
Tính đến ngày 27/3, VN-Index đạt 1.283,09 điểm, tăng 2,3% so với cuối tháng trước và tăng 13,6% so với cuối năm 2023. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 6,66 triệu tỷ đồng, tăng 12,2% so với cuối năm 2023, tương đương 65,2% GDP ước tính năm 2023.
Hiện, thị trường có 736 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán (HOSE và HNX), 870 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM và gần 7,4 triệu tài khoản đầu tư chứng khoán. Giá trị giao dịch bình quân tháng 3/2024 là 30,6 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 31,4% so với tháng trước. Tính chung 3 tháng đầu năm, giá trị giao dịch bình quân là 23,7 nghìn tỷ đồng, tăng 35% so với bình quân năm 2023.
Bộ Tài chính cũng cho biết đã tích cực làm việc với các tổ chức xếp hạng thị trường để tìm hiểu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo đó, Bộ Tài chính đã làm việc với các tổ chức xếp hạng thị trường như FTSE Russell và MSCI nhằm tìm hiểu các tiêu chí phân loại thị trường của các tổ chức này và trao đổi thông tin về các nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý của Việt Nam. Bộ Tài chính đang tiếp tục hoàn thiện các vấn đề lớn về chiến lược phát triển thị trường chứng khoán, cơ cấu lại thị trường chứng khoán, thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…
Cùng với đó, Bộ Tài chính tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra các công ty đại chúng và tổ chức kinh doanh chứng khoán nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường. Đến nay, cơ quan quản lý đã ban hành 116 quyết định xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán, với tổng số tiền xử phạt khoảng 20,1 tỷ đồng.
Về thị trường trái phiếu; bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu Chính phủ, hiện thị trường có 457 mã niêm yết; quy mô giao dịch bình quân tháng 3 đạt 10,9 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4% so với tháng trước; bình quân 3 tháng đạt 9,8 nghìn tỷ đồng, tăng 49,7% so với năm 2023.
Đến ngày 22/3, có 20 doanh nghiệp phát hành với khối lượng 16,1 nghìn tỷ đồng (giảm 36% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó, doanh nghiệp bất động sản chiếm 67,4%, xây dựng chiếm 10,8%; lãi suất phát hành bình quân 10,57%/năm và kỳ hạn phát hành bình quân 4,29 năm; 71,8% trái phiếu phát hành có tài sản đảm bảo. Khối lượng mua lại trước hạn lầ 17,6 nghìn tỷ đồng (giảm 37,7% so với cùng kỳ năm 2023).
Tính đến ngày 26/3, số mã trái phiếu doanh nghiệp đăng ký giao dịch đã công bố trên Chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội là 943 mã trái phiếu của 270 doanh nghiệp với giá trị đăng ký giao dịch đạt hơn 657,2 nghìn tỷ đồng.