Nhận định trên được SSI Research nêu trong báo cáo mới nhất. Các chuyên gia tại đây cho hay, hoạt động sản xuất và chế biến chế tạo không có sự bứt phá trong tháng 5, và số liệu sản xuất thực tế trong tháng 4 đã được điều chỉnh giảm so với ước tính trước đó.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ, trong đó hoạt động chế biến chế tạo vẫn suy giảm nhẹ (0,2%).
Tương tự, chỉ số PMI cũng có sự đi lùi trong tháng 5, khi chỉ đạt 45,3 điểm trong đó đơn đặt hàng mới giảm mạnh nhất trong vòng 20 tháng. Số liệu về hoạt động thương mại cũng cho thấy kết quả kém khả quan, đặc biệt từ phía nhập khẩu.
Xuất khẩu tháng 5 ước tính giảm - 5,9% so với cùng kỳ, chủ yếu có thể đến từ mức nền xuất khẩu thấp vào tháng 5 năm ngoái.
Tính chung cho 5 tháng đầu năm, xuất khẩu giảm -11,5% trong đó do thủy sản (-28,5%), dệt may (-17,8%), điện thoại (-16%) hay điện tử (-10%). Xuất khẩu nông sản tiếp tục là điểm sáng, với mức tăng trưởng đáng kể từ mặt hàng gạo (+52%) hay hàng rau quả (+32%).
"Tín hiệu kém tích cực hơn đến từ việc nhập khẩu, khi giảm -18,3% so với cùng kỳ trong tháng 5 hay -17,7% trong 5 tháng đầu năm. Trong đó, chiếm đa số là nhập khẩu tư liệu sản xuất giảm tới -18,2%, và là yếu tố cho thấy triển vọng tăng trưởng cho xuất khẩu vào quý III – quý cao điểm về hoạt động xuất khẩu là không quá tích cực. Tiêu dùng trong nước hạn chế cũng khiến cho nhập khẩu hàng tiêu dùng giảm 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái", SSI cho hay.
Cũng đưa ra dự báo về xuất nhập khẩu, Chứng khoán BIDV (BSC) trong báo cáo mới nhất nhấn mạnh với số liệu vĩ mô thế giới đang cho thấy xu hướng tiêu dùng và khu vực công nghiệp suy nhiều khả tăng trưởng xuất nhập khẩu sẽ nghiêng về kịch bản tiêu cực nhiều hơn. BSC duy trì hạ dự báo xuất nhập khẩu 2023 ở cả hai kịch bản.
Cụ thể, kịch bản tiêu cực, xuất khẩu có thể giảm - 13,5% và nhập khẩu giảm -16,7%. Trong kịch bản tích cực, xuất khẩu có thể giảm - 7,4% và nhập khẩu có thể giảm - 9,3%.