Tài chính

Quận nhà giàu giữa lòng Seoul: Từ bãi đất hoang hẻo lánh trở thành nơi các nhà tài phiệt tranh giành

Ở Hàn Quốc, Gangnam là nơi khởi nguồn của những xu hướng lớn nhất. Đây được coi là ‘thánh địa’ của hầu hết mọi thứ được người dân địa phương và khách du lịch yêu thích, từ những con phố đầy những thương hiệu sang trọng cho đến những nhà hàng thời thượng nhất, thậm chí là cả những thẩm mỹ viện cao cấp nhất.

Gangnam nghĩa là phía nam của dòng sông. Cư dân trong toàn bộ khu vực Gangnam thường là những người xuất thân từ một gia đình giàu có hoặc là những người làm việc rất chăm chỉ và có chuyên môn cao. Vì vậy, sống ở Gangnam thường được coi là biểu hiện của một người có sự thành công về tài chính.

Theo một báo cáo được thành phố phố Seoul công bố vào tháng 6 năm ngoái, trong số tất cả các hộ gia đình ở Seoul có thu nhập hàng tháng trên 8 triệu won (6.400 USD), 33,2% ở quận Gangnam và 27,9% ở quận Seocho. Quận Songpa đứng ở vị trí thứ năm với 23,8%, sau quận Yongsan ở trung tâm Seoul và quận Seongdong ở phía đông Seoul.

Nhiều ngôi sao thể thao nổi tiếng, người của công chúng và các nhà lập pháp đã hoặc đang là cư dân của khu vực này. Thế nhưng, Gangnam không phải lúc nào cũng hấp dẫn như vậy. Chỉ trong vài thập kỷ qua, nơi đây mới bắt đầu tạo dựng được danh tiếng như ngày nay.

Vì sao lại là Gangnam?

Gangnam có tất cả những yếu tố cần thiết để thu hút mọi người bao gồm những công việc tốt có mức lương cao, giao thông thuận tiện, giáo dục tiên tiến và môi trường tốt để phát triển cuộc sống.

Theo Dịch vụ Thông tin Thống kê Hàn Quốc, trong số hơn 1 triệu công ty đặt tại Seoul, khoảng 10% là ở Gangnam. Khu vực này cũng là một địa điểm được ưa chuộng đối với các công ty khởi nghiệp khi họ muốn xây dựng mạng lưới và tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng trong khu vực.

Quản lý của Startup Alliance là Kaia Cha cho biết: “Rất nhiều công ty khởi nghiệp mở văn phòng ở Gangnam, đặc biệt là trên phố Teheran. Nguyên nhân là bởi họ có thể dễ dàng kết nối và gặp gỡ các nhà đầu tư tiềm năng khi ở đây. Rất nhiều tổ chức cung cấp các chương trình hỗ trợ cho các công ty mới thành lập cũng có trụ sở tại Gangnam.”

Ngay cả đối với những người không đi làm, Gangnam vẫn là một nơi hấp dẫn để sống, đặc biệt là những người đang nuôi con nhỏ.

Nơi đây tự hào khi có một số trường học danh tiếng nhất cả nước. Và cơn sốt giáo dục được phản ánh trong giá nhà đất.

Những ngôi nhà 44 năm tuổi được bán với giá 2,82 tỷ won (2,24 triệu USD) lúc cao điểm vào tháng 11 năm 2021.

Quá khứ của nơi phồn hoa

Gangnam trước đây không nổi tiếng như bây giờ. Sự phát triển của khu vực này bắt đầu vào những năm 1960 dưới thời Cựu tổng thống Park Chung Hee.

Trước khi trở thành khu phố sầm uất, Gangnam là đất nông nghiệp và có rất nhiều ruộng dâu.

Gangnam vào những năm 1960 chỉ là “một ngôi làng hẻo lánh và yên bình với vài ngôi nhà tranh tồi tàn nằm dưới chân đồi,” theo cựu Giám đốc Cục Quy hoạch Đô thị của Chính quyền Thành phố Seoul Son Jeong-mok viết trong một bài báo vào năm 2014.

Thậm chí hai thập kỷ sau khi bắt đầu phát triển, Gangnam vẫn giống như một vùng nông thôn.

Vậy tại sao mọi người lại đến Gangnam?

Mục đích chính là để giải tán dân số Seoul vốn đang tập trung đông đúc ở Gangbuk vào thời điểm đó. Vào những năm 1960, hơn 70% dân số Seoul sống ở Gangbuk. Năm 1970, dân số Seoul đạt 5,43 triệu người, tăng 14% so với một năm trước đó.

Vấn đề dân số quá đông đã gây ra vấn đề thiếu nhà ở và dẫn đến sự phát triển đô thị vô tổ chức trong thành phố.

Năm 1975, Seoul công bố kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội để phát triển các chức năng đô thị ở Gangnam. Mục tiêu đầu tiên là chuyển giao các văn phòng chính phủ, như Tòa thị chính, Văn phòng Công tố và trụ sở của các tổ chức tài chính, bao gồm Ngân hàng Hàn Quốc và Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc.

Tuy nhiên, những nỗ lực này đã thất bại, chỉ có Tòa án Tối cao và Văn phòng Công tố chuyển đến Gangnam. Nhiều năm sau, các tổ chức khác như Cục Tình báo Quốc gia cuối cùng đã chuyển đến khu phố sầm uất này.

Tham khảo Korea JoongAng Daily

Cùng chuyên mục

Đọc thêm