Nếu phải chỉ ra ai là người tiết kiệm nhất mà tôi biết, thì tôi sẽ không suy nghĩ gì mà lập tức gọi tên “anh trai - chị dâu" của mình. Trong mắt tôi, vợ chồng họ đơn giản là những cỗ máy tiết kiệm tiền đến mức triệt để.
Tại sao tôi lại gọi họ như vậy? Dựa trên mức lương và mức chi tiêu trung bình của một gia đình 4 người tại thành phố Cát Lâm, họ có thể tiết kiệm ít nhất 150.000 tệ (khoảng 520 triệu) mỗi năm, và họ tiết kiệm được hơn 1 triệu tệ (khoảng 3,4 tỷ) trong sáu hoặc bảy năm. Đáng sợ, phải không? Nói không hề quá đáng, bởi anh chị tôi luôn duy trì cuộc sống “kiếm nhiều, tiêu ít, tiết kiệm nhiều" kể từ khi vừa kết hôn với nhau. Sau đây sẽ là một bản tóm tắt sơ về một ngày của hai vợ chồng anh chị tôi.
Sáng nào chị dâu cũng phải dậy chuẩn bị đủ thứ đồ ăn sáng. Khoảng 4 giờ thì về cơ bản là xong xuôi. Sau đó chị sẽ đánh thức chồng của mình để hai người cùng ra chợ, mở quầy bán đồ ăn sáng. Bận rộn ngoài chợ đến bảy giờ sáng, anh trai của tôi sẽ về nhà tắm rửa, thay quần áo rồi bắt xe đi làm giờ hành chính, còn chị dâu tôi sẽ về nhà vào khoảng 9 giờ sáng, sau khi dọn dẹp, đóng quầy xong xuôi. Sau khi về nhà, chị dâu tôi sẽ tranh thủ ngủ một giấc. Buổi chiều lại bắt đầu đi làm thêm, bận rộn đến mức 9, 10 giờ tối tôi mới thấy chị ở nhà. Anh trai tôi sẽ tan sở vào lúc 5 giờ chiều, lập tức trở về nhà thay quần áo. Đến 6 giờ chiều lại đi ra quán thịt nướng gần nhà để làm việc đến 11 giờ đêm mới về nhà ngủ. Những công việc này của hai người đã lặp đi lặp lại mỗi ngày, mỗi năm, hiếm khi có sai số.
(Ảnh minh hoạ)
Dễ thấy, thời gian nghỉ ngơi và đi vào giấc ngủ của anh trai tôi sẽ khoảng 6 giờ mỗi ngày, nếu tính cả thời gian nghỉ giữa buổi trưa ở công ty. Còn chị dâu cũng sẽ được ngủ đủ giờ, tuy nhiên, sức khoẻ của chị ngày càng không ổn lắm. Nhưng bằng cách này, thu nhập hàng năm của hai vợ chồng chị sẽ khoảng hơn 200.000 tệ (khoảng 700 triệu), làm ăn chăm chỉ hơn sẽ dao động trong khoảng 250.000 tệ (khoảng 867 triệu).
Hơn nữa, hai vợ chồng anh chị cũng không có thói quen giải trí bằng những trò chơi hay những món đồ xa xỉ. Họ cũng không có thói quen tốn kém nào để thư giãn. Khi rảnh rỗi, họ chỉ đi công viên hoặc cùng nhau xem lại những bộ phim đã từng rất nổi nhưng lại không có thời gian để xem. Về cơ bản, họ chỉ kiếm tiền, chi tiêu những khoản cơ bản trong cuộc sống. Ngoài ra không còn mục tiêu nào khác để tiêu tiền.
Tuy hoàn cảnh gia đình của hai bên đều khá bình thường, đủ ăn đủ mặc nhưng họ lại cuồng làm việc, kiếm tiền để rồi tiết kiệm. Dù tôi biết nhiều người sẽ cảm thấy rằng kiếm tiền mà không tiêu, không để giải trí và dành ít thời gian cho bản thân, điều này không đáng chút nào. Anh trai tôi cũng trả lời rằng, ban đầu chỉ muốn tiết kiệm càng nhiều càng tốt. Nhưng lâu dần, vợ chồng rất mệt mỏi, cảm thấy tiền nắm trong tay cũng vô dụng, nhưng một sự việc bất ngờ đã khiến họ thay đổi quan điểm. Vâng, đó là dịch covid-19.
(Ảnh minh hoạ)
Dịch bệnh đã khiến công ty của anh phải tạm ngừng hoạt động trong hơn nửa năm. Sau đó, nhân viên được work from home nhưng công ty lại không đủ khả năng chi trả lương. Việc làm ăn, buôn bán tại gian hàng ăn sáng, cửa hàng thịt nướng anh làm thêm hay công việc buổi chiều của chị đều phải tạm dừng lại. Nhiều bạn bè và người thân xung quanh anh khốn đốn vì những khoản vay thế chấp, thẻ tín dụng, tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt… Tóm lại, đa số đều cực kỳ choáng váng bởi dịch bệnh bất ngờ.
Nhưng gia đình anh trai tôi thì khác. Hai người đều đặn gửi tiền tiết kiệm mỗi tháng, số tiền đó dù không phải khổng lồ nhưng cho dù 3, 5 năm nữa không có việc làm thì họ cũng sẽ không cần hoảng sợ. Sau khi dịch bệnh dường như đã được kiềm toả ổn định và đến hiện tại, câu cửa miệng của anh trai tôi và chị dâu là cuộc sống luôn có trước có sau; có làm, có tiết kiệm thì sau này mới có cái để ăn. Cũng nhờ họ nên tôi mới hiểu ra một chân lý ở đời, đó chính là chỉ có một lý do khiến bạn không thể tiết kiệm tiền: bản thân bạn không đủ tàn nhẫn!