Xã hội

Quan chức Quốc hội: Vụ sữa bột giả bày bán công khai có phải do lỗ hổng pháp lý?

Tóm tắt:
  • Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Quốc hội yêu cầu làm rõ lỗ hổng pháp lý liên quan đến gần 600 loại sữa giả.
  • Bà Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh sự chậm trễ trong ban hành văn bản quy định chi tiết Luật Người khuyết tật.
  • Cử tri lo ngại về lỗ hổng quản lý và pháp lý trong việc sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả.
  • Bộ Công Thương và Bộ Y tế đều không nhận trách nhiệm quản lý sữa có vi chất dinh dưỡng.
  • Kết quả giám sát cho thấy nhiều văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa được ban hành, gây khó khăn trong thực thi.

Nội dung trên được Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đề cập khi cho ý kiến vào báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội năm 2024 tại phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 16/4.

Quan chức Quốc hội nghi ngờ lỗ hổng pháp lý trong vụ sữa bột giả - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải. (Ảnh: quochoi.vn)

Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nhắc lại việc 10 năm chưa ban hành văn bản quy định chi tiết khoản 7 Điều 50 của Luật Người khuyết tật.

Đồng thời đề nghị, nếu sự chậm trễ này ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người khuyết tật, phải đề xuất các hình thức xử lý mạnh hơn.

Bà Nguyễn Thanh Hải đề cập vụ việc đang rất thời sự là lực lượng công an triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả với quy mô lên tới hàng trăm nhãn hiệu.

Nêu ý kiến cử tri cho rằng, không chỉ có lỗ hổng quản lý mà còn có lỗ hổng văn bản pháp lý, bà Nguyễn Thanh Hải cho biết qua báo chí thì thấy Bộ Công Thương nói không thuộc đối tượng quản lý của Bộ này, sữa có vi chất dinh dưỡng là do Bộ Y tế quản lý. Bộ Y tế thì lại nói việc này liên quan đến hậu kiểm.

"Cử tri nói ở đây có khoảng trống pháp lý, người bán ghi hẳn trên nhãn mác các thành phần nhưng người mua không kiểm chứng được. Mà những loại sữa này dùng cho trẻ em, người già, phụ nữ mang thai… Người dân tin tưởng như thế, chưa nói việc người nổi tiếng tham gia quảng cáo, trách nhiệm đến đâu cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, nhưng việc bày bán công khai như vậy có lỗ hổng pháp lý hay không, đề nghị rà soát. N ếu có thì cần bổ sung thông tin để báo cáo cử tri ", Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Quốc hội đề nghị.

Trước đó, báo cáo tóm tắt kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình cho biết, về cơ bản, Chính phủ, các Bộ, ngành đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện những kiến nghị của các cơ quan của Quốc hội tại kỳ giám sát năm 2023; đã ban hành thêm được 52 văn bản quy định chi tiết còn “nợ đọng” từ trước.

Tuy nhiên, vẫn còn 35 nội dung quy định chi tiết thi hành của 14 luật, 2 pháp lệnh chưa được ban hành, trong đó có nội dung đã "nợ đọng" hơn 10 năm và đã nhiều lần kiến nghị.

Cụ thể, báo cáo đầy đủ dẫn thông tin từ Ủy ban Văn hóa và Xã hội cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ (trước đây là trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông) chưa ban hành văn bản quy định chi tiết khoản 7 Điều 50 của Luật Người khuyết tật, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011. Bộ Y tế chưa ban hành văn bản quy định chi tiết khoản 10 Điều 6 theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015…

Ngoài ra, theo ông Dương Thanh Bình, có 4 văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quy định không phù hợp, chưa bảo đảm tính chặt chẽ, tính thống nhất của hệ thống pháp luật chưa được sửa đổi, bổ sung.

Kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật năm 2024 cho thấy, có 79 văn bản ban hành chậm hơn thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh, nghị quyết; còn 147 điều, khoản thuộc 21 luật giao quy định chi tiết chưa được ban hành. Trong đó, Chính phủ "nợ" 97 điều, khoản của 12 luật; Thủ tướng Chính phủ 2 điều, khoản của 2 luật…

"Qua giám sát, các cơ quan của Quốc hội đã chỉ ra 3 văn bản chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, 3 văn bản, 22 nội dung chưa phù hợp, chưa được quy định cụ thể, có khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện ", ông Dương Thanh Bình nêu rõ.

Các tin khác

Giá vàng đang tăng rất mạnh

Sáng nay (18/4), giá vàng SJC được các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh tăng mạnh. Tuy nhiên, cùng loại vàng SJC là thương hiệu quốc gia nhưng giá bán ra lại khác nhau, thậm chí có doanh nghiệp niêm yết cao nhất lên tới 121 triệu đồng/lượng.

Công khai thông tin các dự án NƠXH để người dân mua đúng giá

Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng yêu cầu Sở Xây dựng và các quận huyện công khai thông tin về sơ đồ mặt bằng, giá thuê, mua, trình tự thủ tục đăng ký, vay vốn... hỗ trợ người dân đủ điều kiện tiếp cận, mua nhà ở xã hội đúng giá, không qua trung gian, không phải trả thêm phí.