Tài chính

Quan chức Đức: Cắt đứt quan hệ với Nga là vô lý - Berlin cần Moscow ít nhất 5 năm nữa

QUAN CHỨC ĐỨC: CẮT ĐỨT QUAN HỆ VỚI NGA LÀ VÔ LÝ

Cô lập Nga và chấm dứt hợp tác kinh tế với Moscow là điều nguy hiểm đối với Đức, hãng tin RT (Nga) dẫn lời Thủ hiến bang Sachsen Michael Kretschmer nói với tờ Die Zeit.

"Tôi nghĩ ý tưởng cô lập Nga vĩnh viễn hoặc không bao giờ hợp tác kinh tế nữa là vô lý và nguy hiểm...", theo Thủ hiến bang Sachsen Michael Kretschmer.

Quan chức Đức: Cắt đứt quan hệ với Nga là vô lý - Berlin cần Moscow ít nhất 5 năm nữa - Ảnh 1.

Thủ hiến bang Sachsen Michael Kretschmer. Ảnh: WELT

Quan chức này cho biết, ông lo ngại về tác động của các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đối với nền kinh tế và an ninh năng lượng của Đức. Ông kêu gọi các bên tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình và chấm dứt xung đột ở Ukraine, mở đường cho việc cung cấp nguyên liệu thô như nhiên liệu hóa thạch và ngũ cốc.

Khoảng một nửa số hộ gia đình Đức dùng khí đốt để cung cấp điện và sưởi ấm, trong khi khoảng 1/3 năng lượng phục vụ cho ngành công nghiệp của Đức có nguồn gốc từ khí đốt. Trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine, Đức phụ khoảng 50% khí đốt từ Nga. Tuy nhiên, lượng giao hàng đã giảm trong những tuần gần đây vì nhiều lý do.

Theo ông Kretschmer, bất chấp các kế hoạch chuyển đổi năng lượng và chương trình nghị sự chính trị đầy tham vọng, Đức sẽ cần nguồn cung cấp khí đốt từ Nga ít nhất trong 5 năm tới.

Chúng ta nhận ra chúng ta không thể từ bỏ khí đốt của Nga, dù cay đắng nhưng đó là thực tế và phải hành động cho phù hợp”, quan chức Đức nói, đồng thời nhấn mạnh ngoài việc người dân không đủ nhiên liệu để sưởi ấm vào mùa đông tới, thì ngành công nghiệp Đức cũng sẽ gặp rủi ro nếu nguồn cung cấp khí đốt của Nga bị cắt.

"Toàn bộ hệ thống kinh tế của chúng ta có nguy cơ sụp đổ. Nếu chúng ta không cẩn thận, Đức có thể trở nên phi công nghiệp hóa", ông nói. Hồi tháng trước, ông nói rằng Đức cần đảm bảo nguồn cung cấp nhiên liệu đáng tin cậy trước khi giáng đòn trừng phạt vào Nga.

IEA: THẾ GIỚI BƯỚC VÀO KỶ NGUYÊN THAN ĐÁ

Nhu cầu về sử dụng than đá trong sản xuất điện để thay thế khí đốt hoặc để dành cho mùa đông ở châu Âu đang tăng do Liên minh châu Âu (EU) quyết định giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga.

Bên cạnh đó, do giá khí đốt tự nhiên tăng, buộc nhiều quốc gia ngày càng phải chuyển từ khí đốt sang than đá và mở lại các nhà máy nhiệt điện than đã đóng cửa trước đây.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, thị trường than sẽ vẫn biến động trong năm 2023, đặc biệt là sau khi lệnh cấm vận than của EU có hiệu lực và mức giá có thể tiếp tục đẩy cao trong năm tới.

"Giá khí đốt tự nhiên tăng cao khiến than đá có sức cạnh tranh hơn trên nhiều thị trường, giá than quốc tế đã liên tục tăng, đạt ba mức cao nhất mọi thời đại từ tháng 10/2021 đến tháng 5/2022. Các lệnh trừng phạt và cấm vận đối với than đá của Nga đã làm gián đoạn thị trường và các vấn đề khác của các nhà xuất khẩu lớn đã góp phần gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Giá trên thị trường than giao sau cho thấy, điều kiện thị trường thắt chặt dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài trong năm tới và xa hơn nữa, là do các nhà sản xuất than khác phải đối mặt với những khó khăn trong việc thay thế sản lượng của Nga", hãng tin RT dẫn tuyên bố hôm 25/7 của IEA.

Quan chức Đức: Cắt đứt quan hệ với Nga là vô lý - Berlin cần Moscow ít nhất 5 năm nữa - Ảnh 2.

Nhu cầu về than tăng vọt do nhiều quốc gia bị giảm nguồn cung khí đốt. Ảnh: Reuters

Cơ quan này cho biết, nhu cầu than toàn cầu có thể đạt 8 tỷ tấn vào năm 2022, tương đương mức cao lịch sử được thiết lập vào năm 2013 và tiếp tục tăng vào năm 2023.

"Dựa trên xu hướng kinh tế và thị trường hiện tại và giả định nền kinh tế Trung Quốc phục hồi như dự kiến trong nửa cuối năm, tiêu thụ than toàn cầu dự kiến sẽ tăng 0,7% lên 8 tỷ tấn vào năm 2022… Tổng mức toàn cầu này tương đương với kỷ lục được thiết lập năm 2013 và nhu cầu than có thể sẽ tăng hơn nữa lên mức cao nhất mọi thời đại trong năm tới", IEA cho biết.

XUẤT KHẨU TỪ THỔ NHĨ KỲ SANG NGA TĂNG VỌT

Xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga đã tăng mạnh trong tháng 6 khi các lô hàng thực phẩm truyền thống cùng với máy móc và thiết bị gia tăng về sản lượng, Văn phòng Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hôm 26/7.

Báo cáo cho biết, xuất khẩu sang Nga đã tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái lên 791 triệu USD, đưa nước này trở thành nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ năm của Nga, tăng từ vị trí thứ 10 vào năm 2021.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến Ukraine đã khiến Moscow giảm nhập khẩu từ các quốc gia mà nước này coi là "không thân thiện", đưa Thổ Nhĩ Kỳ vượt lên trước Ý, Ba Lan, Nhật Bản, Hà Lan, Pháp và Mỹ. Trung Quốc, Belarus, Đức và Kazakhstan là những nhà cung cấp hàng đầu của Nga trong tháng 5, và các nhà phân tích dự đoán những nước này sẽ duy trì vị trí của mình trong tương lai gần.

Các lô hàng trái cây của Thổ Nhĩ Kỳ, như đào và cherry, đến Nga đã tăng mạnh trong tháng 6. Các nhà cung cấp Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi trái cây và các loại hạt trị giá 168 triệu USD sang Nga vào tháng trước, nhiều hơn 33% so với tháng 6/2021 (113 triệu USD) và gấp đôi so với tháng 5/2022 (72 triệu USD).

Tuy nhiên, so với những tháng trước, Nga cũng nhập khẩu một lượng đáng kể máy móc, thiết bị và linh kiện điện tử từ Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 6. Giao dịch thiết bị và dụng cụ cơ khí đã tăng từ 73 triệu USD trong tháng 5 lên 102 triệu USD vào tháng 6, máy móc và thiết bị điện tăng từ 28 lên 32 triệu USD, ô tô và linh kiện từ 25 lên 34 triệu USD và sản phẩm nhựa từ 34 lên 48 triệu USD.

Nhìn chung, các chuyến hàng của Thổ Nhĩ Kỳ đến Nga đạt giá trị cao nhất trong vòng một tháng kể từ 2010 đến nay, theo cơ sở dữ liệu thương mại Comtrade của Liên Hợp Quốc.

Thương mại song phương Nga-Thổ có thể tăng hơn nữa về phạm vi và khối lượng, vì hai nước được cho là đang thảo luận về việc chuyển sang trao đổi thương mại bằng đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này sẽ cho phép Moscow sử dụng đồng lira khi mua hàng hóa và dịch vụ từ các nhà cung cấp địa phương, tránh đồng USDvà euro đang bị trừng phạt.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm