“Đầu tiên, tôi đã nhận được cuộc gọi giận dữ từ một luật sư về âm nhạc, ông ta đang bực bội bởi vì ông ta đã tính phí hàng nghìn đô-la để đưa cho các khách hàng lời khuyên mà tôi đã viết trong sách. Thứ hai, tôi nhận được một cuộc gọi giận dữ tương tự từ một người quản lý, ông ta đã nói rằng hầu hết các nghệ sĩ mà ông ta gặp cứ liên tục đập cuốn sách của tôi vào mặt ông ta”.
Điều này được Donald S. Passman chia sẻ ngay đoạn mào đầu trong ấn bản thứ 10 của cuốn sách “All you need to know about the music business” (Tất cả những gì bạn cần biết về ngành công nghiệp âm nhạc”.
Ấn bản tiếng Việt vừa được Alpha Books cho ra mắt bạn đọc với tựa đề “Giải mã ngành công nghiệp âm nhạc” kèm dòng chữ phụ “Những chiến lược cân não & quy tắc ngầm để sống sót”.
Những quy tắc ngầm được tác giả đề cập đến trong sách đã tạo ra một hiệu ứng bùng nổ mạnh mẽ. Nhiều luật sư về âm nhạc bực bội vì cuốn sách đã “đập bể nồi cơm” của họ. Nhiều nhà quản lý nghệ sĩ cũng giận dữ vì họ không thể ngồi mát ăn bát vàng, ăn trên ngồi trốc, “bóc lột” ca sĩ, nhạc sĩ được nữa.
Nếu tác giả cuốn sách là một tay mơ thì có lẽ kết quả sẽ không thể như vậy. Trên thực tế, tác giả “Giải mã ngành công nghiệp âm nhạc” là một luật sư “thú dữ”.
Ông là Donald S. Passman, tốt nghiệp Đại học Texas và Trường Luật Harvard danh tiếng. Ông hành nghề luật, chuyên về ngành âm nhạc hơn 40 năm và có nhiều năm giảng dạy về ngành công nghiệp âm nhạc tại các trường luật danh tiếng của Mỹ. Không phải tự nhiên mà Passman được bình chọn là “một trong những luật sư giỏi nhất ở Mỹ 20 năm qua”, “một trong những luật sư quyền lực nhất trong ngành âm nhạc”, “top 500 luật gia ở Mỹ”, “top 100 luật sư trong ngành giải trí”…
Luật sư Passman tiết lộ, trong nhiều trường hợp tư vấn thuộc lĩnh vực công nghiệp âm nhạc, ông đã thu phí rất cao. Nhưng trong cuốn sách “Giải mã ngành công nghiệp âm nhạc”, những lời khuyên thực sự hữu ích của ông được chia sẻ công khai với tất cả mọi người.
Trong từng trường hợp cụ thể, ông đưa ra lời khuyên để giúp mọi người tuyển chọn đội ngũ cố vấn cho nghệ sĩ; soạn hợp đồng thu âm, lưu ý các thỏa thuận giữa nhạc sĩ, đồng phát hành và quản lý; đăng ký và bảo vệ tên nhóm nhạc; chuẩn bị hàng hóa bán lẻ, bán trực tiếp trong chuyến lưu diễn; thỏa thuận với người soạn nhạc…
Đồng thời, bức tranh tổng quát nhưng rất cập nhật về ngành công nghiệp âm nhạc có thể “hái ra tiền” cũng dần hiện lên rõ nét.
Ví dụ người quản lý nghệ sĩ thường nhận 15-20% thu nhập của nghệ sĩ mới; phí sáng tác bài hát trong phim thường vào khoảng 25.000-50.000 USD; nếu có một video âm nhạc, hãng thu âm và hãng phim thường chia chi phí 50/50; đối với các album tùy chọn, nghệ sĩ có thể đưa ra phần trăm bản quyền cao hơn – tăng thêm 0,5-1% trong cả mức cơ bản và trong bất kỳ mức phần trăm gia tăng nào…
Đối với khai thác nghe nhìn (ngày nay chủ yếu là các video trực tuyến), các nhà sản xuất thường nhận một nửa giá sản phẩm. Lý thuyết là bản thu âm gốc chỉ là một nửa sản phẩm (phần video là một nửa còn lại. Ví dụ, nếu nhà sản xuất có phí bản quyền 3% và YouTube phát trực tiếp video, nhà sản xuất sẽ nhận được 1,5% doanh thu.
Nếu không tham gia vào ngành, mọi người khó có thể biết được những điều đó.
Trong ngành công nghiệp ấy, sự kết hợp rất tự nhiên giữa nghệ thuật và kinh doanh đã giúp “tiền đẻ ra tiền” kể cả khi ca sĩ, nhạc sĩ… đã qua đời. Chỉ cần đưa ra được quyết định sáng suốt nhất, mọi người hoàn toàn có thể đạt được hiệu quả “tất cả cùng thắng”.
Tất cả những vấn đề “phải biết”, “phải làm” ấy có trong 6 phần của “Giải mã ngành công nghiệp âm nhạc”. Đó là Đội ngũ cố vấn của bạn, Hợp đồng thu âm, Nhạc sĩ sáng tác và công ty phát hành, Các vấn đề nhóm, Lưu diễn và Âm nhạc trong điện ảnh.
Dù với ca sĩ hay nhà quản lý, người soạn nhạc hay nhân sự công ty thu âm, đối tượng trong ngành hay ngoài cuộc (miễn là đam mê âm nhạc), “Giải mã ngành công nghiệp âm nhạc” của luật sư-giảng viên kỳ cựu Donald S. Passman xứng đáng là sách gối đầu giường.