
Chia sẻ với CNBC trong chương trình “Europe Early Edition”, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Kaja Kallas cho biết: “Chúng tôi chưa từng thấy một chính quyền Mỹ nào như vậy”.
Trả lời phóng viên của CNBC, bà Kallas mô tả giai đoạn vừa qua “rất căng thẳng” và “gián đoạn”. Bà nhấn mạnh rằng có “rất nhiều điều không thể đoán định”.
Châu Âu đang đối mặt với bất ổn gia tăng trên hai phương diện do chính sách của ông Trump. Đó là thương mại và cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Ông Trump đã áp thuế đồng loạt 20% lên hàng xuất khẩu của EU sang Mỹ, sau đó tạm thời hạ mức thuế để tạo điều kiện đàm phán. EU cũng đã chuẩn bị các biện pháp đáp trả nhưng tạm hoãn lại sau khi Mỹ thay đổi chính sách của mình. Dù vậy, châu Âu vẫn đang chịu các mức thuế từ Mỹ đối với nhôm, thép và ô tô.
Ngay cả khi đạt được thỏa thuận, giới chuyên gia nhận định EU vẫn sẽ bị ảnh hưởng từ cuộc đụng độ thương mại giữa Mỹ với các đối tác khác như Trung Quốc.
Tăng trưởng kinh tế châu Âu dự kiến sẽ bị suy giảm bởi căng thẳng thương mại. Trong khi đó, các quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhận định lạm phát do ảnh hưởng từ thuế quan vẫn còn rất khó đoán. Giờ đây, “bất định” trở thành từ khoá chính.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hà Lan Klaas Knot so sánh tình hình hiện nay với giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19.
Tuy vậy, một số quan chức tỏ ra lạc quan hơn. Bộ trưởng Tài chính Đức Joerg Kukies cho rằng quan hệ Mỹ –châu Âu chưa rơi vào trạng thái khủng hoảng. “Phải có nhiều chuyện hơn nữa xảy ra thì niềm tin giữa hai bên mới thực sự đổ vỡ”, ông nói.
Cách tiếp cận của ông Trump đối với cuộc xung đột tại Ukraine cũng khiến các nước châu Âu thêm bất an. Câu hỏi về khả năng Mỹ tiếp tục tài trợ quân sự cho Ukraine vẫn còn bỏ ngỏ.
Ông Trump từng tuyên bố sẽ kết thúc xung đột chỉ trong một ngày, nhưng sau đó đã rút lại phát biểu này. Dù chính quyền của ông đã khởi động các cuộc thảo luận về một thỏa thuận ngừng bắn ngay từ sớm, tiến trình cho đến nay vẫn chưa có đột phá.
Theo CNBC