Doanh nghiệp

PV OIL đã xoá sạch lỗ luỹ kế tính tới cuối quý I

 Ảnh minh họa: MH.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL - Mã: OIL) cho thấy doanh thu thuần đạt 20.538 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong kỳ giá vốn hàng bán tăng nhỉnh hơn mức tăng của doanh thu thuần nên lợi nhuận gộp còn 979 tỷ. Biên lợi nhuận gộp nhích từ 4,4% cùng kỳ lên 4,7% quý này.

 Biên lãi gộp của PV OIL trong quý I/2023 đã phục hồi so với mức trung bình 3,9% của năm 2022. (Nguồn: MH tổng hợp từ BCTC và Wichart).

Về sản lượng, tiêu thụ xăng dầu của công ty đạt 1.111 triệu m3, tăng 27% so với quý I/2022. Xuất, bán dầu thô và nhập khẩu dầu thô cho CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) đạt 2.639 triệu m3. Sản xuất xăng dầu, dầu mỡ nhờn là 151 triệu m3.

Trừ đi các chi phí, PV OIL lãi sau thuế 265 tỷ đồng, lãi ròng 254 tỷ, lần lượt giảm 6% và tăng 17% so với cùng kỳ. Nhờ vậy, công ty đã xóa được khoản lỗ lũy kế và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối quý I là 26 tỷ đồng, thỏa mãn một trong các điều kiện để chuyển sàn cổ phiếu sang HOSE.

Năm 2023, công ty đặt mục tiêu thận trọng với 50.000 tỷ đồng doanh thu và 480 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Chủ tịch HĐQT PV OIL Cao Hoài Dương nhận định năm 2023 là giai đoạn khó khăn để tăng trưởng sản lượng như năm ngoái, bởi sản lượng cung - cầu xăng dầu đã dần ổn định sau dịch COVID-19 và chiến sự Nga - Ukraine. Doanh nghiệp đầu mối này còn đối mặt với áp lực các Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Bình Sơn dự kiến bảo dưỡng trong năm nay, qua đó có thể làm ảnh hưởng đến công tác đảm bảo nguồn.

Như vậy, với kết quả trên, sau ba tháng, PV OIL đã thực hiện được 41% kế hoạch doanh thu và 55% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

  Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

Trước đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã: PLX), đơn vị nắm giữ thị phần số 1 mảng bán lẻ xăng dầu đã báo cáo doanh thu thuần đạt 67.432 tỷ đồng, tăng 0,6%. Lãi ròng 620 tỷ đồng, gấp 2,55 lần cùng kỳ năm ngoái và tăng trưởng quý thứ ba liên tiếp. Biên lãi gộp được cải thiện từ 4,14% cùng kỳ lên 5,27% kỳ này.

Chứng khoán VNDirect dự báo các doanh nghiệp phân phối xăng dầu như Petrolimex và PV OIL sẽ phục hồi mạnh từ mức nền thấp của năm 2022 nhờ việc vừa qua Chính phủ đã ban hành cơ chế để Tập đoàn PVN xử lý vấn đề tài chính đối với Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Đây sẽ là tiền đề để Nghi Sơn hoạt động ổn định trong những năm tới, giúp tăng tỷ trọng nguồn cung nội địa và giảm áp lực chi phí nhập khẩu cho các doanh nghiệp phân phối.

Bên cạnh đó, các chi phí định mức cấu thành giá cơ sở xăng dầu đã được cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh tăng trong tháng 10 và 11/2022. VNDirect cho rằng sự điều chỉnh này sẽ phản ánh sát hơn diễn biến thị trường, giảm bớt áp lực cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu.

Ngoài ra, VNDirect cho rằng các doanh nghiệp phân phối lớn như PV OIL có thể có thêm được thị phần từ các doanh nghiệp nhỏ khác, vốn có khả năng sẽ bị loại khỏi thị trường sau một năm 2022 đầy khó khăn.

Nắm giữ hơn 10.600 tỷ đồng tiền, tiền gửi ngân hàng

Về tình hình tài chính của PV OIl, kết thúc quý I, tổng tài sản của công ty giảm khoảng 300 tỷ so với đầu năm còn 28.350 tỷ đồng. Trong đó, tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn lên tới 10.653 tỷ, chiếm gần 38% tổng tài sản. Ba tháng đầu năm, doanh nghiệp phân phối xăng dầu này thu về gần 143 tỷ lãi tiền gửi ngân hàng.

Các khoản phải thu ngắn hạn của PV OIL tại cuối kỳ là 8.472 tỷ đồng, phần lớn đến từ thu hộ, trả hộ tiền dầu thô xuất khẩu ủy thác và phải thu ngắn hạn từ khách hàng. Hàng tồn kho tại cuối kỳ đạt 3.283 tỷ, tăng 11%, tức tăng khoảng 300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, PV OIL còn đang ghi nhận 857 tỷ đồng nợ phải thu khó đòi, với giá trị có thể thu hồi chỉ 48 tỷ.

Trong khi đó, tổng nợ đi vay cuối kỳ của PV OIL là 5.266 tỷ đồng, tăng thêm 2.500 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm 31% tổng nợ phải trả. Chi phí lãi vay trong quý đầu năm là 65 tỷ đồng.

Cuối tháng 3, vốn chủ sở hữu của PV OIL là 11.515 tỷ, trong đó 10.342 tỷ là vốn góp và 224 tỷ là quỹ đầu tư phát triển.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm