Theo báo cáo từ S&P Global, trong tháng 4 chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) - ngành sản xuất Việt Nam của đã tăng trở lại từ mức 49,9 điểm của tháng 3 lên 50,3 điểm. Kết quả này cho thấy chỉ số cho thấy sức khỏe ngành sản xuất cải thiện nhẹ.
Tuy nhiên, kết quả này vẫn thấp hơn PMI toàn phần ngành sản xuất ASEAN tháng 4 khi đạt 51 điểm, dù chỉ số này đã giảm điểm so với mức 51,5 điểm của tháng 3.
So với ASEAN, PMI của Việt Nam đang thấp hơn Indonesia, Phillipines và Singapore, các quốc gia này có chỉ số PMI tháng 4 lần lượt là 52,9 điểm, 52,2 điểm và hơn 51 điểm. Ngược lại, các quốc gia có PMI tháng 4 thấp hơn Việt Nam là Malaysia, Myanmar và Thái Lan. Trong đó, Thái Lan là quốc gia có chỉ số PMI thấp nhất trong số các quốc gia kể trên khi chỉ đạt 48,6 điểm.
Các chuyên gia S&P Global đánh giá ngành sản xuất của Việt Nam tăng trưởng trở lại trong tháng 4 khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh giúp sản lượng tăng trở lại. Tuy nhiên, các công ty đã giảm việc làm, và niềm tin kinh doanh đã giảm. Trong khi đó, chi phí đầu vào tiếp tục tăng, nhưng tốc độ tăng là tương đối chậm. Điều này đã cho phép các nhà sản xuất tiếp tục chiết khấu giá cho khách hàng để thu hút đơn đặt hàng mới.
Điểm tích cực chính của kỳ khảo sát này là số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng trở lại, và mức tăng là mạnh sau khi giảm nhẹ trong tháng trước, hơn nữa, tốc độ tăng cũng nhanh nhất kể từ tháng 8/2022.
Các doanh nghiệp cho biết nhu cầu thị trường đã cải thiện và họ đã thành công trong việc thu hút khách hàng mới. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng trở lại nhưng mức tăng lần này chỉ là nhẹ và là thấp hơn so với tổng số lượng đơn đặt hàng mới.
Một nhân tố khác giúp các nhà sản xuất có số lượng đơn đặt hàng mới tăng là giá bán hàng đã giảm tháng thứ hai liên tiếp khi họ phải cạnh tranh về giá và đáp ứng yêu cầu chiết khấu từ khách hàng. Mức giảm giá lần này là đáng kể nhất trong thời gian chín tháng.
Các công ty đã phải chiết khấu giá bất kể chi phí đầu vào tiếp tục tăng, nhưng mức độ tăng giá đầu vào tương đối nhẹ khiến các công ty có thể dễ dàng hơn trong việc hạ giá bán mà không chịu quá nhiều áp lực lên biên lợi nhuận. Các doanh nghiệp cho biết chi phí đầu vào tăng chủ yếu đến từ giá dầu và chi phí vận chuyển tăng, một nguyên nhân khác là từ giá đường tăng cao trong thời gian ngắn.
Lượng đơn hàng mới đã tăng trở lại
Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho biết số lượng đơn đặt hàng mới của ngành sản xuất của Việt Nam đã tăng trở lại một cách đáng khích lệ trong tháng 4 sau thời gian yếu kém gần đây.
Cũng có một số dấu hiệu cho thấy mức độ tăng trở lại có lẽ đã làm các công ty bất ngờ vì họ đã quyết định cho công nhân nghỉ việc sau thời kỳ nhu cầu giảm, từ đó khiến lượng công việc tồn đọng tăng, một số lao động được dự báo sẽ được quay trở lại làm việc trong tương lai gần.
"Nói một cách rộng hơn, tính chất lên xuống thất thường của lượng đơn đặt hàng mới gần đây khiến các công ty lo lắng về tương lai. Hy vọng chúng ta có thể thấy một môi trường ổn định hơn trong những tháng tới để có thể giúp các nhà sản xuất lập kế hoạch sản lượng và chuẩn bị nguồn lực hiệu quả”, ông Andrew Harker nói.
Mặc dù số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng trong tháng 4, tình trạng nhu cầu yếu hiện nay đã khiến các công ty phải giảm việc làm lần đầu tiên trong ba tháng, và tình trạng này thường là do các công ty cho các công nhân làm việc tạm thời nghỉ.
Tuy nhiên, trong thời điểm số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại, việc giảm số lượng nhân viên khiến các công ty khó hoàn thành kịp thời các đơn hàng. Kết quả là, lượng công việc tồn đọng đã tăng lần đầu tiên trong ba tháng, mặc dù mức tăng chỉ là nhẹ.
Hoạt động mua hàng đã tăng lần đầu trong 6 tháng để đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới tăng, nhưng mức độ tăng chỉ là nhẹ khi các công ty còn ngần ngại trong việc lưu giữ hàng tồn kho. Trên thực tế, tồn kho hàng mua đã giảm mạnh trở lại, từ đó kéo dài thời kỳ giảm hiện nay thành tám tháng. Tồn kho hàng thành phẩm cũng giảm, một phần phản ánh sự cần thiết phải đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới đang tăng mạnh vào thời điểm sản lượng còn hạn chế.
Tốc độ giảm đã chậm lại so với tháng 3. Thời gian giao hàng của nhà cung cấp đã không thay đổi trong tháng 4, từ đó kết thúc thời kỳ ba tháng kéo dài thời gian giao hàng. Một số công ty cho biết hàng tồn kho của nhà cung cấp đầy đủ đã giúp họ đẩy nhanh việc giao hàng.
Ngành sản xuất phục hồi nhưng chưa chắc chắn
Đánh giá về ngành sản xuất công nghiệp, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng ngành sản xuất đang phục hồi nhưng không hoàn toàn. "Chỉ số PMI tháng 1, tháng 2 trên 50 điểm, đến tháng dưới 50 điểm và tháng 4 lại tăng rất nhẹ lên trên 50 điểm. Điều này cho thấy xu hướng phục hồi nhưng không chắc chắn", ông Cung nói.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 4, ngành sản xuất tăng trưởng 6% trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 6,3%.
Tuy nhiên, theo chuyên gia mức tăng cao này xuất phát từ hai nguyên nhân. Thứ nhất, ngành công nghiệp của Việt Nam chủ yếu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nên gắn với tăng trưởng xuất khẩu chứ chưa thực sự phản ánh được bức tranh của các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Trong khi các doanh nghiệp FDI đang phục hồi thì các doanh nghiệp trong nước vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Thứ hai là, cùng kỳ năm ngoái cả chỉ số sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đều sụt giảm rất mạnh. Trong 4 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,9% còn kim ngạch xuất khẩu 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Ông dự báo từ quý II, quý III cả sản xuất công nghiệp và xuất khẩu mức tăng trưởng đều có thể giảm đi bởi quý II, quý III năm ngoái mức nền đã cao chứ không thấp như quý I.
Báo cáo từ S&P Global cũng cho biết tình trạng bất ổn của thị trường gần đây đã khiến niềm tin kinh doanh giảm về mức thấp của ba tháng. Tuy nhiên, hy vọng về tình trạng nhu cầu ổn định và tích cực trong những tháng tới đã củng cố cho niềm lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong một năm tới.