Ngô Thúy Phương Thanh là một cô gái trẻ có cách đối mặt với khắc nghiệt cuộc sống hễ ai nghe kể đều vô cùng nể phục. Biến cố đầu tiên xảy đến khi Thanh đang là cô sinh viên ngành Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Hoa Sen. Từ một tiểu thư con nhà khá giả, Thanh buộc phải nghỉ học để kiếm việc làm, trở thành chỗ dựa chính cho mẹ và các em sau khi gia đình phá sản, bố mẹ ly hôn. Với kiến thức vững cùng khả năng ngoại ngữ tốt, Thanh nhanh chóng tìm được việc và làm quen với cuộc sống mới. Tuy nhiên khó khăn chưa dừng lại ở đó, năm 2017 Thanh phát hiện mình bị suy thận giai đoạn cuối. Điều kiện kinh tế có hạn, chỉ có thể chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống và hỗ trợ gia đình.
Năm 2019, mẹ của Phương Thanh đã quyết định hiến thận cho con gái, Thanh có ca phẫu thuật thành công thay đổi cuộc đời. Đây cũng là ca ghép thận từ mẹ sang con đầu tiên được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ của Đại học Y Dược TP HCM được chú ý thời điểm đó.
Sau khi trải qua ca ghép thận, cuộc sống của Thanh đã có nhiều thay đổi. Thanh chia sẻ: "Có thể vì một bộ phận trong cơ thể mình bây giờ là của mẹ nên mình được ảnh hưởng tính cách từ bà khá nhiều. Mình bắt đầu mềm mỏng hơn, khép kín hơn, lại còn thích ăn chay nữa - điều mà mình chưa bao giờ nghĩ tới. Mình có cảm giác như được sinh ra một lần nữa vậy, là phiên bản mới tốt hơn của Phương Thanh ngày xưa, về cả công việc lẫn gia đình. Cùng mẹ bước qua lần sinh tử lần này mình lúc nào cũng cảm thấy vô cùng biết ơn - biết ơn mẹ, biết ơn cuộc đời.
Nếu nói cuộc sống trước khi trải qua nhiều biến cố là màu hồng, thì bây giờ là màu xanh tràn đầy những điều tốt đẹp sắp sửa".
Cũng chính vì vậy mà cách đây không lâu, Thanh đã tham gia chương trình "Cơ hội cho ai" - một chương trình truyền hình thực tế nhằm kết nối, tìm kiếm cơ hội việc làm cho các ứng viên với các doanh nghiệp lớn. Ngay khi xuất hiện, Thanh liền được công chúng chú ý vì năng lực chuyên môn cao, chinh phục được 3 nhà tuyển dụng ở vòng cuối cùng mà còn qua câu chuyện năm nào với ý chí can trường và 3 quả thận đang cùng hoạt động.
Giới thiệu: Ngô Thúy Phương Thanh
Sinh năm: 1993 – hiện đang là Digital Marketing Manager của công ty Gconomy.
CUỘC SỐNG MÀU HỒNG BẤT NGỜ BỊ “ĐỔI MÀU”
CUỘC SỐNG MÀU HỒNG BẤT NGỜ BỊ “ĐỔI MÀU”
Đang là cô chiêu được cưng chiều hết mực bỗng dưng trở thành trụ cột trong gia đình, mọi thứ xảy đến với Thanh như thế nào?
Ban đầu khi gia đình phá sản, mình gần như không tin đó là sự thật, và cũng chưa thể đón nhận trọng trách mới đầy nặng nề này. Trong suy nghĩ của một cô sinh viên đang được ăn sung mặc sướng, có điều kiện thoải mái lúc đó là một cảm giác rất bất công. Ban đầu, mình khá xa lạ, khó khăn và tự hỏi “Tại sao mọi chuyện lại xảy đến với mình như vậy?”. Sau chuỗi suy nghĩ lặp lại đó, bỗng dưng lại có luồng suy nghĩ khác hơn nảy sinh từ chính mình: “Ba mẹ lúc sinh thành, chăm lo mình hơn 20 năm đã từng đòi hỏi mình quyền lợi nào chưa?”. Đến lúc đấy mình mới có ý thức rằng mình nên làm gì để lo lắng cho ba mẹ và gia đình lớn của mình.
Mình quyết định nghỉ học.
Lúc cần thiết nhất, mình tin vào năng lực của mình. Mình biết mình không đủ thời gian để đi học nữa, mình biết mình phải lao ra đi làm, và mình biết mình đủ khả năng thích nghi với cuộc sống vừa xảy đến này nếu mình dừng lại việc học ở đó.
Chưa kịp làm quen với vai trò mới trong nhà, lại phát hiện mình bị suy thận giai đoạn cuối, mọi thứ lúc ấy hỗn độn ra sao?
Chu trình sống của mình diễn ra trùng lặp mỗi ngày: Sáng chiều: văn phòng – tối: bệnh viện. Mình không đủ quỹ thời gian để phân chia cho cuộc sống của mình nữa, thời gian dành cho gia đình hầu như không có. Vì tình trạng sức khỏe ngốn hết sắp nửa năng lượng và thời gian của mình trong một ngày, mình phải sắp xếp thời gian mọi thứ chi tiết như một kế hoạch, liệt kê ra những thứ mình phải cố hoàn thành trong một ngày để đem mọi xáo trộn về ban đầu nhất có thể.
Căn bệnh giai đoạn cuối nên rất nhanh mình có những dấu hiệu rõ rệt trong cơ thể, không đủ sức để tiếp tục công việc, mình phải xin nghỉ để tìm kiếm công việc mới phù hợp hơn – phù hợp cả về mức lương, khối lượng công việc lẫn thời gian làm. Tuy nhiên mọi thứ khá khó khăn vì với khoản thu nhập lúc đó mình phải tính toán phân chia cho việc lọc máu, học phí cho các em, hỗ trợ cho mẹ và gia đình.
MÌNH CÒN QUÁ NHIỀU THỨ MUỐN LÀM, CHÍNH SỰ KHÔNG CAM TÂM VỰC MÌNH DẬY
Động lực để Thanh chấp nhận biến cố này?
Mình không tự chấp nhận, là cuộc sống lúc đó buộc mình chấp nhận, và gia đình giúp mình chấp nhận nó.
Có sốc đó, có khóc đó, nhưng bạn biết, hôm sau mình vẫn phải rửa mặt đi làm, phải đứng dậy kiếm tiền - vì các em vẫn phải đi học, và cả nhà vẫn phải ăn. Dẫu biết là cơ thể đang bệnh đó nhưng “Mày còn nhiều việc phải làm, mày vẫn đang sống mà. Ai nuôi gia đình mày? Ai nuôi bản thân mày?” đó là những gì mình nghĩ.
Thậm chí mình còn làm nhiều hơn cả lúc mình chưa bệnh, chính vì phải dùng vốn thời gian còn lại của mình để cố gắng tạo ra nhiều giá trị cho người thân nhất có thể.
Đã có lúc giữa chừng Thanh muốn bỏ cuộc?
Mình đã từng muốn bỏ cuộc. Khi nằm trên giường bệnh chạy thận, nhiều lần nhìn thấy được cảnh sinh tử quá gần nhau. Mình vừa nằm nói chuyện với họ, chớp mắt họ đã qua đời ngay bên cạnh. Mỗi khi chứng kiến cảnh đó, mình đã khóc rất nhiều, vì quá mệt mỏi và không có gì chắc chắn làm tin. Đặc biệt là những khoảng thời gian mình nằm bất động, phó mặc vào chiếc máy đang chạy, nhìn sự sống của mình bị phụ thuộc vào nó để duy trì. Lúc đó mình cảm thấy rất bất lực và cuộc đời thật vô nghĩa.
Khi đó mình trải qua căn bệnh tâm lý, có lúc cứ lầm lầm lì lì không nói chuyện với ai, cứ ngồi thừ ra vô định mất cả tiếng. Những lúc đó cảm giác vẫn như vừa mới trải qua cú sốc và cần định hình lại tinh thần.
Nhưng rồi Thanh đã vực được mình dậy…
Mình còn quá nhiều thứ muốn làm, chính sự không cam tâm vực mình dậy.
Chìm trong cảm giác tuyệt vọng rồi, đủ chán thì sẽ tới lúc mình thấy “tỉnh”. Vì không bao giờ để bản thân rảnh tay rảnh chân quá lâu được, nên khi buồn xong rồi, mình tự hỏi tiếp theo mình sẽ làm gì. Mình nghĩ ra nhiều cách để dùng quỹ thời gian chạy thận 4-5 tiếng đó. Ví như đọc sách, bật livestream nói chuyện với mọi người, làm quen với những người bạn mới, hay thường chủ động trò chuyện trêu đùa các cô chú trong viện.
KHI BIẾT TÁCH RA KHỎI TIÊU CỰC, MÌNH TRỞ NÊN MINH MẪN
Cách Thanh sắp xếp lại cuộc sống khi từng biến cố trong đời xuất hiện?
Mình đều làm theo cách cơ bản nhất giống mọi người khi giải quyết vấn đề thôi.
- Xác định được vấn đề mình đang gặp phải khó khăn ở những điểm mấu chốt nào
- Suy nghĩ và tìm xem có cách gì để giải quyết được
- Mình cân nhắc lại đường hướng nào mình đủ khả năng làm, phù hợp với tình hình hiện tại của mình về sức khoẻ, tài chính, năng lực, hoàn cảnh…
- Trong lúc mình đối mặt với nó thì mình luôn tỉnh táo biết được cách đó còn hữu dụng hay không, để biết bản thân nên cố gắng theo đến cùng hay nên đổi.
Quan trọng nhất là phải đối mặt được. Vậy bí quyết để thắng trong cuộc chiến tâm lý bên trong mình là gì?
Đối với riêng mình, mình nghĩ không nên để bản thân sa lầy vào cảm xúc quá nhiều. Đôi khi cảm xúc tiêu cực lấn át quá lớn sẽ khiến chúng ta đắm chìm và phụ thuộc vào nó. Khi biết tách ra khỏi những tiêu cực đó mình sẽ trở nên minh mẫn hơn.
Quan điểm của Thanh về “Cách đương đầu với điều mới xảy đến (cả nếu đó là chuyện tích cực hay tiêu cực)?”
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” - mình cho rằng mình là nguyên nhân gây ra vấn đề và chỉ có mình mới giải quyết được nó. Cuộc sống không có gì là ngẫu nhiên, những lựa chọn của bạn ở mỗi ngày sẽ hình thành nên con người bạn ở tương lai. Vì vậy chỉ chính mình mới có thể thay đổi bản thân chứ không thể dựa vào các yếu tố bên ngoài được, mọi thứ xung quanh chỉ là chất xúc tác để mình bóp còi và bắt đầu thay đổi cuộc sống hiện tại.