Ngày 17.4, Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp tỉnh Phú Thọ tổ chức họp, cho ý kiến vào dự thảo đề án hợp nhất 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Phú Thọ.

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp tỉnh Phú Thọ
ẢNH: PHUTHO.GOV.VN
Theo đề án, tỉnh Phú Thọ hiện có 207 đơn vị hành chính cấp xã, dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập còn 66 đơn vị, giảm 141 đơn vị (bằng 68,1%).
Tên gọi của các đơn vị hành chính cấp xã mới sẽ khuyến khích lựa chọn gắn với yếu tố lịch sử, văn hóa, dân tộc của địa phương.
Trung tâm hành chính và trụ sở làm việc đảm bảo có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, giao thông kết nối với các khu vực trong nội bộ đơn vị hành chính cấp xã.
Về biên chế, chính quyền cấp xã, sẽ chuyển 100% biên chế huyện hiện có về cấp xã; giữ nguyên biên chế trước sắp xếp; đồng thời rà soát, tinh giản trong 5 năm theo quy định.
Cùng đó là kết thúc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; giữ nguyên các trường học và trạm y tế, tổ chức lại phù hợp với đơn vị hành chính mới.
Đối với phương án sáp nhập tỉnh, tỉnh Phú Thọ (mới) dự kiến được hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số và hệ thống đơn vị hành chính cấp xã của 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình.
Sau hợp nhất, tỉnh Phú Thọ (mới) có diện tích tự nhiên 9.437,46 km2; quy mô dân số khoảng 3,6 triệu người; trung tâm hành chính - chính trị đặt tại TP.Việt Trì hiện nay.
Trước ngày 25.4, địa phương sẽ tổ chức lấy ý kiến cử tri (đại diện hộ gia đình) về 2 đề án nêu trên. Trước ngày 26.4, HĐND cấp huyện, cấp xã xem xét, ban hành Nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Ngày 29.4, HĐND tỉnh họp thông qua Nghị quyết về đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã; đề án hợp nhất 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình. Trước ngày 1.5, hoàn thiện hồ sơ đề án và tờ trình của UBND tỉnh gửi Bộ Nội vụ thẩm định, trình Chính phủ.