Chiều 22.5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, đoàn TP.HCM
ẢNH: GIA HÂN
Miễn học phí là "hạnh phúc đối với một dân tộc"
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP.HCM) bày tỏ vui mừng trước chủ trương miễn học phí tại dự thảo nghị quyết, nói "đây là hạnh phúc đối với một dân tộc".
Ông Nhân kể câu chuyện năm 2010, khi tiếp xúc cử tri ở Bắc Giang và thăm một trường mầm non, ông hỏi giáo viên ở đây việc đóng học phí có trở ngại gì không. Cô giáo trả lời rằng, có gia đình khó khăn, không có gì bán được ra tiền nên "đóng học phí bằng… 2 con chó".
"Tôi không bao giờ quên được hình ảnh đó, mà Bắc Giang đâu có xa Hà Nội", ông Nhân nói và nhấn mạnh chủ trương miễn học phí là rất cần thiết.
Nếu nghị quyết được Quốc hội thông qua, ông Nhân cho rằng, Việt Nam sẽ là nước duy nhất miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến phổ thông. Điều này thể hiện sự nhân văn của Đảng, Nhà nước; không phải chờ đến lúc giàu mới làm, mà đây là sự chắt chiu, ươm mầm cho thế hệ tương lai.
Miễn học phí còn góp phần giảm nhẹ gánh nặng kinh tế, từ đó động viên, tạo điều kiện cho các gia đình sinh đủ 2 con, nhằm giải quyết nguy cơ thiếu lao động vào năm 2045.
Nghị quyết dự kiến được áp dụng từ 1.9, ông Nhân nói, nếu từ nay đến lúc đó ngân sách nhà nước chưa chuẩn bị kịp thì địa phương có thể tính toán tạm ứng trước, để chính sách được thực thi kịp thời, hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức, đoàn TP.HCM
ẢNH: GIA HÂN
Phụ huynh không nhận có được không?
Theo dự thảo nghị quyết, ngoài việc miễn học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục công lập; ngân sách còn hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM) hoàn toàn ủng hộ quy định trên, song đề nghị nên thiết kế thêm cơ chế để phù hợp với đặc điểm thực tiễn.
Ông Đức nói, quy định như dự thảo sẽ đảm bảo nguyên tắc công bằng, tất cả trẻ mầm non, học sinh trên cả nước đều được thụ hưởng chính sách, không phân biệt công lập hay tư thục.
Nhưng thực tế cho thấy, tại một số cơ sở giáo dục tư thục, mức học phí khá cao, 5 - 10 triệu đồng mỗi tháng. Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế đã cho con em theo học tại đây.
Ông Đức nói, với những gia đình khó khăn, việc miễn học phí chắc chắn là "phấn khởi lắm", còn với những gia đình khá giả như đã nêu, nên có tính toán phù hợp để tránh xảy ra tình huống không cần hỗ trợ nhưng vẫn cứ phải dùng tiền ngân sách "chia đều hết cho nhau".
Vị đại biểu gợi ý, đó là xây dựng thêm cơ chế tạo điều kiện cho các gia đình có điều kiện mà họ mong muốn từ chối khoản hỗ trợ để chia sẻ cho các hoàn cảnh khó khăn hơn.
Cho rằng ý kiến của ông Đức là "rất hay", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nói, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Nhà nước ban hành các chính sách hỗ trợ về kinh tế và cũng từng có ý kiến về việc nếu người có điều kiện không nhận thì nên cho phép họ gửi lại phần của mình cho ngân sách.
Việc miễn học phí, về mặt nguyên tắc thì chính sách phải bao quát mọi đối tượng. Song, với những phụ huynh có điều kiện kinh tế, họ không muốn nhận hỗ trợ, nghị quyết nên bổ sung quy định giải quyết các trường hợp này, có thể giao cho địa phương hướng dẫn thực hiện chẳng hạn.