Tài chính

Phong cách tiết kiệm cũ đã lỗi thời, vừa tiết kiệm vừa tận hưởng cuộc sống mới là cách sống thông minh?

Một bài viết trên Business Insider của tác giả Zainab Onuh-Yahaya đã chỉ ra mối mâu thuẫn lớn nhất giữa tiết kiệm kiểu cũ (của cha mẹ chúng ta) và cách quản lý tài chính cá nhân thời hiện đại, chỉ ra lý do tại sao những quan điểm ngày xưa không còn thích hợp cho người trẻ.

Quan điểm tiết kiệm kiểu cũ

Tác giả kể lại rằng, theo triết lý tiến kiệm từng li từng tý của mẹ mình, bản thân cô khi lớn lên vẫn đã tốn tiền theo nhiều cách khác nhau, nhận ra rằng việc chỉ cố để dành càng nhiều càng tốt như “ngày xưa” hoàn toàn không phù hợp với cuộc sống ngày nay. Cũng vì vậy mà cuối cùng cô phát triển cách tiếp cận của riêng mình.

Khi còn nhỏ, Zainab Onuh-Yahaya sống với cha mẹ, và mẹ của cô luôn có thói quen chuẩn bị món ăn khuya bằng cách để lại một phần của bữa tối, nghĩa là giờ ăn tối là 6 giờ thì cả gia đình sẽ dùng bữa với khẩu phần ít hơn một chút, dự kiến tiếp tục vừa ăn vừa xem các chương trình yêu thích từ 9 giờ tối.

Tuy nhiên, bữa ăn muộn này hầu như không bao giờ được ăn vì người mẹ mệt mỏi ngủ thiếp đi ngay sau khi ngồi trước TV. Cuối cùng, bữa khuya lại trở thành bữa sáng hôm sau.

Kiểu tiết kiệm tiền nhưng không đầu tư sinh lời đã không còn phù hợp với thế hệ trẻ. (Nguồn: Getty Image) 

Theo Zainab Onuh-Yahaya, mẹ của cô là một người phụ nữ vô cùng tiết kiệm, tiết kiệm mọi thứ theo cách quản lý chi tiêu cho quần áo và đồ trang sức (chỉ diện vào dịp đặc biệt). Khi cô 10 tuổi, trường học có một dự án về Ngày của Mẹ, yêu cầu những đứa trẻ nói điều chúng tôi yêu thích nhất về mẹ, và Zainab Onuh-Yahaya đã nói rằng mẹ mình có siêu năng lực là khả năng kiếm tiền và tiết kiệm từng đồng.

Về lý thuyết, gia đình Zainab Onuh-Yahaya không giàu có, nhưng mẹ của cô luôn có tiền một cách thần kỳ đúng lúc mọi người cần nó nhất. Gần 20 năm sau, tác giả hiểu rằng đó không phải là một phép màu. Đó chỉ đơn giản là tiết kiệm, một khái niệm mà mẹ của cô tin tưởng và nghiêm túc tuân thủ. Kế hoạch tài chính của bà bao gồm để dành hết mức có thể cho một tương lai – tương lai thậm chí còn không xảy ra (như bữa ăn khuya để dành nhưng không bao giờ có cơ hội thưởng thức).

Mẹ của Zainab Onuh-Yahaya chỉ mua những đồ gì mà bà thấy rằng mình có đủ tiền để mua gấp 2, gấp 3 lần giá trị món đồ đó. Đây là cách tiết kiệm tương đối “khắc nghiệt” và khó có thể làm được.

Thay đổi triết lý tiết kiệm phù hợp với người trẻ

Càng lớn lên, Zainab Onuh-Yahaya càng không đồng ý với cách quản lý tiền bạc của mẹ. Không giống như mẹ của mình, Zainab không coi tiền là mục đích tự thân, hay là thứ có giá trị hơn khi nó được cất đi. Quan điểm của cô về tiền bạc đã trở nên linh hoạt hơn nhiều, mang tính giao dịch - một nguồn tài nguyên quý giá để sống thoải mái và tiếp tục để tiền sinh sôi nảy nở.

Khi bắt đầu hành trình tài chính của mình sau khi tốt nghiệp đại học, Zainab Onuh-Yahaya đã cố gắng mô phỏng chiến lược tài chính của mẹ mình. Nhưng những năm 2020 rất khác so với 20 năm trước đó.

Vào năm 2021, Zainab muốn mua một chiếc máy tính mà cô thích và có thể mua được vào thời điểm đó. Tuy nhiên, cô nhận ra rằng mình không có gấp 2 hay gấp 3 lần số tiền cần thiết. Chưa kể, 1 tháng sau, giá trị đồng tiền của quốc gia cô sinh sống (đồng naira) đã yếu đi đáng kể so với đồng USD và giá của chiếc máy tính tính bằng nội tệ của cô thậm chí đã tăng giá gấp đôi.

Cuối cùng, cô đã mua chiếc máy tính đó vào năm 2022, với giá gần gấp 3 khi naira suy yếu hơn nữa. Cô đã mua nó với một khoản lỗ vô cùng vô lý. Điều đó đã dạy cho Zainab Onuh-Yahaya tất cả những gì cần biết về lạm phát, giá trị của đồng tiền và sự “ngu ngốc” khi để tiền nằm im nếu bạn không có nhu cầu sử dụng ngay lập tức.

Vì vậy, cô đã mở rộng quan điểm tài chính của mình, không tiếp tục triết lý của mẹ. Bây giờ, khi không tiết kiệm cho một mục tiêu cụ thể, Zainab Onuh-Yahaya tích trữ tiền vào các kế hoạch đầu tư ổn định, nơi nó không bị lạm phát bất thường và tiền tệ suy giảm ảnh hưởng - bằng cách mua các mặt hàng như đồ trang sức bằng kim loại quý có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt nếu có nhu cầu.

Zainab Onuh-Yahaya không còn tin vào khái niệm tiết kiệm mà mẹ cô đã theo đuổi cả đời vì khả năng mất giá trị theo thời gian khi thị trường biến động, tài chính suy thoái và lạm phát tăng. Vào thời điểm bạn xoay sở để tiêu số tiền tiết kiệm của mình, bạn có thể không đủ khả năng mua những thứ bạn có thể có khi quyết định vào trước đó, và điều đó thậm chí còn khiến bạn thấy tệ hơn.

Zainab Onuh-Yahaya đang sử dụng tiền của mình theo những cách để nâng cao chất lượng cuộc và tạo thu nhập thụ động, có quỹ tiết kiệm khẩn cấp để chắc chắn cho những tình huống bất ngờ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm