Theo BS.CKI Phạm Thị Ngọc Phú, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, viêm dạ dày ruột cấp là bệnh lý nhiễm trùng đường ruột do virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời có thể khỏi trong vài ngày. Ngược lại, những trường hợp không điều trị sớm dẫn đến mất nước nghiêm trọng, gây rối loạn điện giải, hạ natri, hạ kali máu, sốc mất nước, suy thận cấp, sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, hẹp hoặc thủng đại tràng, bất dung nạp lactose...
Để phòng bệnh, phụ huynh nên cho trẻ ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh thực phẩm trong quá trình chuẩn bị và chế biến thức ăn. Thường xuyên rửa tay cho trẻ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người bệnh, luôn khử khuẩn những tay nắm cửa, bề mặt bồn cầu.
Trẻ nên uống đầy đủ vaccine phòng rotavirus, vi khuẩn tả, tiêm vaccine phòng bệnh thương hàn và nhiều bệnh nguy hiểm khác. Phụ huynh cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước giúp tăng cường sức đề kháng, tốt cho quá trình chuyển hóa.

BS.CKI Phạm Thị Ngọc Phú khám và tư vấn phương pháp phòng bệnh cho trẻ. Ảnh minh họa: Nguyễn Thắng
Trẻ mắc bệnh viêm dạ dày ruột cấp thường có biểu hiện gồm tiêu chảy, có hoặc không kèm theo ói, đau bụng, sốt. Nguyên nhân có thể do trẻ ăn phải thức ăn hoặc nước uống mang virus (norovirus, rotavirus, astrovirus, sapovirus hoặc adenovirus), vi khuẩn (E.coli, Salmonella, tụ cầu Clostridium difficile, lỵ trực trùng Shigella), ký sinh trùng (Giardia, Cryptosporidium, Isospora...). Những mầm bệnh này lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, dùng chung đồ ăn thức uống với người bệnh.
Khi trẻ có các dấu hiệu bệnh như sốt cao, tiêu chảy, phân có nhầy máu, ói, đau bụng... phụ huynh nên đưa con đến bệnh viện để được khám và điều trị sớm.
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |